Mẹ bị bỏng tới mức con không nhận ra; người cha thoát chết trong gang tấc trước sinh nhật con và những nỗi ám ảnh kéo dài suốt 20 năm sau vụ khủng bố 11/9
Đã gần 20 năm kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, đối với nhiều người sống sót, có thể vết thương da thịt đã liền sẹo, nhưng nỗi đau tinh thần vẫn còn nguyên như mới ngày hôm qua.
- 10-09-2021Nỗi đau xuyên suốt 2 thập kỷ: 22.000 bộ phận cơ thể trong đống đổ nát vụ khủng bố 11/9 và những phần hài cốt 20 năm sau mới xác định được chủ nhân
- 09-09-2021Ngành công nghiệp hàng không thay đổi như thế nào sau khi 2 chiếc máy bay chở khách đánh sập Tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới?
- 09-09-202120 năm vụ khủng bố 11/9: The Falling Man – bức ảnh cho thấy sự tuyệt vọng của nước Mỹ, nhân vật chính chưa bao giờ được xác định danh tính
Đó là một ngày đẹp trời như bao ngày khác, nhưng tất cả đã thay đổi kể từ 8 giờ 45 phút sáng. Thời gian đó vẫn nằm yên trong ký ức, để lại dấu vết sống động của âm thanh, mùi vị và cảm xúc.
Ông Don Basco sống tại Chicago, người may mắn thoát chết trong vụ khủng bố ngày 11/0, vẫn nhớ như in những ký ức kinh hoàng của vụ khủng bố 20 năm trước. "Cho đến hiện tại, tôi vẫn dựng tóc gáy khi ngửi thấy mùi nhiên liệu máy bay, bụi bê tông hoặc những thứ tương tự", ông Basco nói.
Ông không phải người duy nhất sống chung với những ký ức kinh hoàng của tấn bi kịch ngày 11/9. 20 năm đủ khiến một đứa trẻ sơ sinh thành người trưởng thành nhưng những nỗi ám ảnh đó vẫn tồn tại trong ký ức của của những người sống sót. Giống với vết sẹo ăn sâu vào da thịt, những xúc cảm tột cùng từ vụ khủng bố sẽ không bao giờ biến mất với những người từng thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong ngày định mệnh đó.
Nằm trên giường bệnh, ám ảnh với suy nghĩ con không nhận ra mình
Lauren Manning có lẽ là một trong những người bị thương nặng nhất là sống sót trong vụ khủng bố. 80% cơ thể bà bị bỏng cấp độ 3 trở lên. "Theo bất kỳ tiêu chuẩn y tế nào, đáng lẽ tôi đã chết", Manning nhớ lại.
Người phụ nữ cho biết bà vừa bước vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới thì chiếc máy bay bị cướp đầu tiên lao vào tòa nhà, khiến một quả cầu lửa đi theo trục thang máy xuống tận sảnh đợi, nơi bà đang đứng. "Sau một âm thanh chói tai cực kỳ lớn, tất cả chìm trong biển lửa. Bị thiêu sống là cách diễn tả tốt nhất tình trạng của tôi lúc đó", Manning nhớ lại.
Lauren được đoàn tụ với con trai khoảng ba tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9
Như một ngọn đuốc sống, Manning nỗ lực hết sức để cahyj ra ngoài. Bà băng qua con đường rồi ngã xuống một bãi cỏ, nơi một người đàn ông tốt bụng nhìn thấy và lao vào giúp đỡ.
Trong lúc chờ được đưa tới bệnh viện, Manning vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra những kẻ khủng bố tiếp tục đâm chiếc máy bay thứ hai vào Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Bà cũng chưa bao giờ quên hình ảnh mọi người rơi xuống từ các tòa nhà chọc trời lúc đó.
Người phụ nữ này cũng vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ về các đồng nghiệp tại công ty tài chính Cantor Fitzgerald vẫn còn bị mắc kẹt ở các tầng trên. Tất cả 658 nhân viên của công đã thiệt mạng vào ngày hôm đó.
Sau đó, Lauren đã được đưa lên xe cứu thương nhưng cơ hội sống sót của bà rất mong manh. Bà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê trước khi được chuyển đến một trung tâm chuyên khoa bỏng.
Lúc vừa tỉnh lại, bà phải đối mặt với sự thật kinh hoàng là cả cơ thể bà hầu như không còn chỗ nào nguyên vẹn. "Cơ thể tôi bị bỏng 82,5%, hầu hết là cấp độ ba. Hơn 20% là độ 4 hoặc độ 5. Nhiều bộ phận bị mất cơ hoặc xương, nên tôi phải cắt cụt nhiều ngón tay".
Khi nhớ lại khoảng thời gian này, bà xúc động kể lại trong nước mắt: "Điều tôi sợ nhất chính là con trai một tuổi không nhận ra mẹ". Ban đầu đúng là cậu bé không nhận ra, nhưng qua giọng nói và ánh mắt, đứa trẻ đã phát hiện ra đây là mẹ mình và đó chính là niềm an ủi lớn nhất dành cho một người mẹ vừa trải qua nỗi đau tột cùng về thể xác và cả tinh thần.
Lauren đã nằm viện hơn sáu tháng nhưng không chỉ vậy, bà phải dùng gần 10 năm để phục hồi hoàn toàn qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, nhiều đến nỗi chính bà còn không nhớ nổi số lượng.
Bị chôn sống ngay trước sinh nhật con
Một nạn nhân khác may mắn sống sót sau vụ khủng bố là Tom Canavan. Ông cho biết mình đã thật sự bị chôn sống tại Trung tâm Thương mại Thế giới khi một trong hai tòa thấp sụp đổ vào ngày 11/9 của 20 năm trước. Vài phút sau khi thoát khỏi đống đổ nát, tòa tháp thứ 2 sập xuống đúng nơi họ vừa thoát thân.
Canava cho biết, ông có mặt trên tầng 47 Tháp Bắc khi chiếc máy bay của hãng American Airlines lao vào tòa nhà lúc 8 giờ 46 phút sáng. Canavan và các đồng nghiệp tại công ty môi giới First Union nhận thấy điều bất thường, họ từ từ men theo cầu thang xuống nơi an toàn. Ngược phía họ, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đang đi lên để giải cứu những người sống sót bị thương. Trong lúc họ đang chạy vì mạng sống của mình, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào Tháp Nam.
Tom Canavan, người đàn ông thoát chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Khi xuống tới khu vực trung tâm thương mại gần sát mặt đất của tòa Tháp Bắc (bị tấn công trước nhưng sập sau), Canavan và 4 đồng nghiệp của mình đã bị chôn vùi trong đống đổ nát khi tòa tháp Nam ngay cạnh đó đổ sập.
Canavan kể lại: "Tôi còn không biết liệu tiếng hét của mình có thoát ra khỏi miệng được không. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch và sau đó cả cơ thể tôi bị đập xuống đất như một con bọ. Mọi thứ trở nên tối tăm".
Trước khi bị vùi lấp, ông đã nghĩ về bữa tiệc sinh nhật lần thứ ba sắp tới của con trai mình, và sẽ không bao giờ gặp được đứa con gái nhỏ mà vợ ông đang mang thai. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông "cảm nhận được vị sạn trong miệng và ngửi thấy mùi khói". Đó là lúc ông biết mình còn sống.
Canavan cho biết ông được cứu vì một bức tường xi bê tông đã đổ đè lên trên, tạo ra khoảng trống an toàn trong đống cốt thép và gạch đá vỡ vụn.
Ông bắt đầu bò và đào bới để tìm cách thoát khỏi đống đổ nát. Sau 20 phút, Canavan đã nhìn thấy một tia sáng nhỏ và có thể hít thở không khí trong lành.
"Tôi chui qua cái lỗ với một thân mình đầy vết thương. Tuy bị thương nặng nhưng tôi không hề cảm thấy đau đớn", Canavan nhớ lại.
Nếu chỉ chậm vài phút nữa, chắc chắn hai con của người đàn ông này sẽ mồ côi cha. Không lâu sau khi Canavan thoát khỏi đống đổ nát, Tháp Bắc cũng sập xuống vào lúc 10 giờ 28 phút sáng.
Tuy thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng Canavan cho biết những trải nghiệm về ngày 11/9 đã trở thành một phần của cuộc đời ông. "Không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến buổi sáng hôm đó. Những người hoảng sợ, tiếng ồn, hoặc hình ảnh những chiếc máy bay chao nghiêng thường hiện về trong tâm trí tôi. Kí ức này sẽ không bao giờ biến mất. Tôi đã chấp nhận điều đó. Mọi người vẫn thường khuyên tôi 'hãy vượt qua' nhưng tôi biết đây không phải là điều có thể vượt qua được", Canavan chia sẻ 20 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng.