Mẹ kình ngư Michael Phelps đã khiến cả thế giới nể phục vì "biến" một đứa trẻ tăng động thành huyền thoại
Mẹ của Michael Phelps xứng đáng được trao giải Bà mẹ của năm khi nuôi dạy con trai từ một đứa trẻ bị chứng tăng động giảm chú ý trở thành siêu kình ngư số 1 thế giới.
Với 28 huy chương ở các kỳ Olympic, gồm 23 huy chương vàng, Michael Phelps, đã trở thành một huyền thoại sống không chỉ ở môn bơi lội, mà cả trong lịch sử Thế vận hội. Tuy nhiên, không phải tự nhiên những huy hoàng đó đến với Phelps.
Anh đã phải trải qua một tuổi thơ đầy vất vả khi mà cha mẹ ly dị và bản thân thì mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhưng bằng sự nỗ lực của mình và sự giúp đỡ động viên của mẹ anh, bà Debbie Phelps, hiệu trưởng một ngôi trường trung học ở Towson, bang Maryland nước Mỹ mà nhân loại mới có thể thấy được một Michael Phelps ngày hôm nay.
Michael Phelps và gia đình của mình.
Cậu bé Michael Phelps và hội chứng ADHD
Michael Phelps sinh ngày 30/6/1985, là em út trong một gia đình có hai chị gái, Hilary và Whitney, ở ngoại ô Baltimore (bang Maryland). Ông Fred, bố của Michael, là một quân nhân. Còn mẹ anh, bà Debbie, là giáo viên trung học cơ sở. Tuy nhiên, đến năm 1993, cha mẹ Phelps ly thân. Một năm sau, họ chính thức ly dị khi cậu bé Phelps mới 9 tuổi. Bà Debbie Phelps đã phải một mình nuôi anh khôn lớn cùng các chị gái.
Cậu bé Michael Phelps bị chuẩn đoán mắc chứng bệnh ADHD từ lúc 9 tuổi.
Cũng trong khoảng thời gian đó, bên cạnh nỗi đau mất chồng, sự vất vả khi phải một mình nuôi 3 người con thì bà Debbie lại phát hiện ra cậu con trai của mình không thể tập trung vào bất cứ điều gì. Và 9 tuổi, cậu bé Phelps được các bác sĩ chuẩn đoán mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Lúc đó bà rất buồn vì Phelps bị mọi người nhìn bởi một con mắt khác, ngay cả các giáo viên của cậu bé cũng vậy.
Sự nỗ lực của một bà mẹ đơn thân và cách nuôi dạy con không phải ai cũng làm được
“Đó là một cú sốc đối với tôi. Nhưng tôi muốn chứng minh cho tất cả mọi người rằng họ đã sai. Tôi biết rằng, Michael có thể đạt được bất cứ điều gì nó muốn nếu nó đặt tâm trí của mình vào đó". Bà Debbie chia sẻ về cảm xúc của mình khi biết con trai bị mắc hội chứng ADHD.
Ngay lúc đó, bà Debbie, một người giáo viên trong hơn hai thập kỷ đã bắt đầu làm việc chặt chẽ với trường của Michael để giúp đỡ cậu bé. "Bất cứ khi nào một giáo viên nói, 'Michael không thể làm được điều này', tôi đã nói lại với họ rằng 'Vậy, em đã/ sẽ làm gì để giúp Michael?", bà Debbie nhớ lại.
Những giọt nước mắt từ mẹ của một huyền thoại.
Michael thích bơi lội ngay từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, khi Michael rên rỉ về việc anh ghét đọc sách, thì mẹ anh đã thay đổi điều đó bằng cách đưa cho cậu bé những tờ báo thể thao hoặc những cuốn sách về thể thao. Còn khi nhận thấy rằng sự chú ý của Michael “đi lạc” trong toán học, bà đã thuê một gia sư và khuyến khích con sử dụng toán theo ngôn ngữ mà Michael thích như: "Bạn sẽ mất bao lâu để bơi hết 500 mét nếu bạn bơi ba mét mỗi giây?".
Cũng vì Michael thích bơi nên các bác sĩ đã khuyên nên để cậu bé tham gia bơi lội như một phần của cuộc điều trị. Bà Debbie đã cất công đưa anh tới hồ bơi 4-5 lần một tuần, tất nhiên khi đó không hề trông đợi rằng con bà rồi sẽ trở thành người bơi lội xuất sắc nhất hành tinh. Thực vậy, việc làm mẹ đơn thân giúp bà Debbie có được quyết tâm sắt đá cùng cậu con trai mọi lúc mọi nơi. Bà không phải tranh cãi về việc ai sẽ đưa Phelps tới bể bơi, ai sẽ trả tiền điều trị và tập luyện cũng như việc Phelps có trở thành vận động viên chuyên nghiệp hay không.
Niềm vui khi nhìn thấy con chiến thắng của một người mẹ.
Tại bể bơi, bà Debbie đã giúp Michael giảm “tăng động” bằng cách nhắc nhở cậu bé phải xem xét đến những hậu quả mà hành vi của mình có thể gây nên. Bà Debbie cho biết khi Michael 10 tuổi, trong một lần thi bơi, Michael đứng thứ hai và cậu bé đã rất thất vọng. Biểu hiện lúc đó của cậu bé là giằng chiếc kính của mình và ném chúng thật mạnh lên mặt sàn của hồ bơi.
Lúc đó, bà Debbie không hề tỏ ra trách móc hay có bất kỳ lời nói không vui nào với Michael. Khi họ lái xe về nhà, trên xe, thay vì nói Michael phải kiềm chế hay nói rằng con sẽ chiến thắng lần sau, Debbie lại nói với Michael về “tính thể thao” nhiều hơn về “những chiến thắng”. Bà Debbie và Michael đã tự tạo ra những tín hiệu riêng cho họ, để giúp Michael luôn bình tĩnh. Đó chính là dấu hiệu tay hình chữ “C”. Theo bà Debbie, bất kỳ khi nào đứng trên khán đài, thấy Michael thất vọng, chữ “C” đó lại được hiện lên trên tay bà. Nó là biểu tượng cho từ “compose yourself – hãy bình tĩnh lại”.
Huyền thoại Michael Phelps.
Có thể nói, bà Debbie sử dụng rất nhiều chiến lược khác nhau để giữ cho Michael luôn bình tĩnh và đi theo một kỷ luật. Theo thời gian, tình yêu với bơi lội của Michael ngày càng lớn và bà Debbie vui mừng vì sự tự giác của Michael trong việc này. “Michael rất ít khi từ bỏ những buổi tập luyện, ngay cả vào Giáng sinh thì hồ bơi vẫn là nơi đầu tiên chúng tôi đến và thằng bé hạnh phúc khi được ở đó".
Debbie cũng chia sẻ rằng bà luôn lắng nghe con trai của mình. Khi Michael học lớp 6, cậu bé nói rằng cậu muốn ngưng dùng thuốc. Mặc dù có mối nghi ngại nghiêm trọng rằng liệu mọi chuyện đó có ổn không khi cậu bé không uống thuốc nữa, nhưng bà vẫn đồng ý để cho cậu bé dừng lại. Michael đã không làm mẹ mình thất vọng. Cậu bé đã không còn dùng thuốc cho những người mắc tăng động giảm chú ý từ lớp 6 cho tới tận bây giờ.
Michael Phelps luôn dành niềm vui chiến thắng đầu tiên cho mẹ của mình.
Những việc làm của mẹ Michael Phelps đã khiến cả thế giới phải nể phục. Chuyên gia vật lý trị liệu Gilda Carle, tác giả cuốn Don’t Bet on the Prince! How yo Have the Man You Want by Betting on Yourself (tạm dịch: Đừng làm hoàng tử! Làm sao để trở thành người bạn muốn bằng cách là chính mình) đã từng thốt lên rằng: “Mẹ của Michael Phelps xứng đáng được trao giải Bà mẹ của năm”.
Ông còn nói thêm rằng: “Bà ấy đã một tay nuôi dạy ba đứa con, và cho Michael điều mà không đứa trẻ nào có: tập trung hết sức lực cho bơi lội. Michael Phelps thực sự là một ví dụ điển hình cho việc con người đã vượt lên số phận mạnh mẽ như thế nào. Nó cũng phá vỡ những định kiến về việc trẻ nhỏ sẽ trở nên hư hỏng ở những gia đình đổ vỡ. Điều quan trọng là chất lượng giáo dục và sự hướng dẫn cho con cái, dù cho môi trường tức thời xung quanh nó có ra sao. Mỗi cá nhân đều có những kỹ năng có thể được nuôi dưỡng và phát triển”.
Cho dù người mẹ này không kỳ vọng con mình có thể trở thành một chàng hoàng tử, nhưng bà đã nhận lại cả một HUYỀN THOẠI.
Nguồn: Tổng hợp
Trí thức trẻ/Afamily