Mẹ mất sớm, cha tàn tật, phải bỏ học để kiếm tiền, Chu Quần Phi chia sẻ 3 kinh nghiệm sâu sắc để trở thành tỷ phú
Theo Forbes, với tổng tài sản lên tới 7,4 tỷ USD, người sáng lập và giám đốc điều hành Lens Technology một lần nữa trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới năm nay.
- 19-04-2018Những bức ảnh giản dị đến khó tin của những tỷ phú giàu nhất thế giới
- 19-04-2018Làm việc tại tiệm McDonald's từ khi 16 tuổi, điều tỷ phú Jeff Bezos học được đã đặt nền móng đầu tiên để tạo dựng thành công với Amazon
- 09-04-20183 bước để vượt qua nỗi sợ hãi từ câu chuyện "Tesla phá sản" của tỷ phú Elon Musk: Tỷ lệ thành công lên tới 70%
Sinh ra trong một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Chu Quần Phi có một tuổi thơ không mấy dễ dàng. Bà mất mẹ từ khi mới lên 5, cha cũng bị mù và mất một ngón tay trong vụ tai nạn nhà máy. Bà phải học cách sống qua ngày ngay từ khi còn nhỏ: "Tôi thường xuyên phải nghĩ đến bữa tiếp theo sẽ ăn gì và làm thế nào để có đồ ăn".
Để kiếm tiền, bà Chu phải bỏ học năm 16 tuổi và lên thành phố Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc xin làm việc tại nhà máy sản xuất thấu kính. Sau đó, bà nhanh chóng được lên làm quản lý. Tuy nhiên, bà đã có một giấc mơ lớn hơn.
Thẻ nhân viên đầu tiên của Chu Quần Phi.
Năm 1993, với khoản tiết kiệm 20.000 đô Hồng Kông (khoảng 60 triệu VND), bà Chu cùng 8 thành viên trong gia đình thành lập một xưởng sản xuất màn hình trong căn hộ 3 phòng ngủ, nơi phục vụ cả làm việc lẫn sinh hoạt của họ.
10 năm sau đó, Chu Quần Phi đã xây dựng được một nhà máy sản xuất kính áp tròng và tuyển dụng 1.000 người. Công ty có một bước chuyển mình lớn vào năm 2003 khi bà nhận được một cuộc điện thoại đề nghị hợp tác của Motorola.
Sự kết hợp này giúp bà tiến sâu hơn vào thị trường thế giới. Hiện nay, giám đốc điều hành của Lens Technology trở thành đối tác của những gã khổng lồ trong công nghệ như Tesla, Apple, Samsung và Huawei.
Chu Quần Phi trở thành quản lý của nhà máy năm 1991 -1992.
Nữ tỷ phú cho biết: "Thành công của tôi xuất phát từ sự kiên trì. Thách thức lớn nhất đối với tôi là đánh bại được các đối thủ khác và giành được hợp đồng với Motorola vào năm 2003".
Chu Quần Phi bắt đầu có sự linh hoạt trong tài chính của mình nhưng vẫn có tham vọng phát triển hơn nữa. Nhưng kết quả là bà phải bán nhà và những đồ vật có giá trị khác để đáp ứng nhu cầu của công ty. Dẫu vậy, những khó khăn đó không đủ khiến bà tuyệt vọng. Bà thừa nhận đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Bà Chu kể lại: "Tôi đã đứng trên bậc ở ga Hum Hom của Hồng Kông và có ý định nhảy xuống sông. Tôi cho rằng, khi tôi chết thì mọi rắc rối sẽ biến mất".
Nhưng một cuộc gọi từ con gái đã kéo bà trở lại với thực tế. "Tôi nhận ra rằng, tôi còn gia đình, nhân viên và tôi không thể bỏ cuộc, tôi phải tiếp tục", bà chia sẻ. Với sự giúp đỡ của Motorola, bà đã vượt qua các vấn đề về tài chính.
Hình ảnh của Chu Quần Phi tại Lens Technology.
Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu bản cho mẫu máy V3 của Motorola – loại màn hình điện thoại phẳng với lời chào "Hello Moto". Năm 2007, nữ tỷ phú đã đánh bại các nhà cung cấp hàng đầu Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp chính cho Apple.
Theo Forbes, hiện nay, công ty của Chu Quần Phi có giá trị 11,4 tỷ đô với hơn 82.000 nhân viên trên toàn Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC Make It qua email, bà Chu đã chia sẻ ba lời khuyên cho các doanh nhân:
1. Chuẩn bị tốt
Chu Quần Phi cho biết, các doanh nhân luôn phải chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra. Bà chia sẻ với CNBC Make It rằng: "Thứ nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của bạn. Thứ hai, bạn phải có tinh thần mạnh mẽ. Thứ ba, tăng cường sự hiểu biết về thị trường và đối thủ cạnh tranh của bạn.
Kinh nghiệm khi là một nhân viên dây chuyền lắp ráp và sau đó là quản lý cho người chủ đầu tiên giúp bà có được sự tự tin. Đó là điều rất quan trọng đối với những ngày đầu thành lập Lens Technology. "Bạn phải có đủ can đảm để đối mặt với những thất bại", bà Chu nói thêm.
Cũng nên chuẩn bị một số kế hoạch dự phòng khi đến thăm khách hàng trong những ngày đầu của sự nghiệp: "Tôi luôn nghĩ về những gì tôi sẽ nói nếu bị họ từ chối. Bởi vì sự từ chối là không đổi, bạn cần chuẩn bị tốt".
2. Tích cực học tập
"Các khách hàng sẽ không trả cho sản phẩm của bạn mức giá tốt hơn khi bạn có trình độ cao. Nhưng kiến thức về kinh doanh giúp bạn duy trì khả năng cạnh tranh cho công ty", bà Chu nói.
Bà đã tham gia các khóa học bán thời gian khi còn là một nhân viên nhà máy và có giấy chứng nhận về kế toán, tin học và thậm chí là bằng lái xe tải thương mại.
Nữ doanh nhân nhận định: "Khi bạn có khả năng học hỏi, bạn sẽ có khả năng phát triển.
3. Đừng bỏ cuộc dễ dàng
Chu Quần Phi cho biết, nhiều người sẽ bị một cú sốc lớn và dễ nhụt chí khi gặp phải trở ngại. Nhưng chìa khóa để thành công là kiên trì, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.
Để tăng cường tinh thần đồng đội cho các thành viên trong công ty, bà Chu đã cho 20 nhân viên điều hành leo núi Dawei ở tỉnh Hồ nam, cao hơn 1524 m. Một số thành viên trong nhóm đã muốn bỏ cuộc ở lưng chừng đồi. Tuy nhiên, bà đã nói một câu khích lệ: "Khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không đủ can đảm trở lại để bắt đầu cuộc hành trình khác, bạn sẽ tiếp tục từ bỏ. Chỉ khi chúng ta kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc chỉ vì một thất bại nhỏ".
CNBC