“Mẹ, rửa chén đi nhé…”: Bài học hiếu thảo của vị giáo sư già mà người con nào cũng cần khắc ghi
Con cái luôn là nỗi bận tâm của cha mẹ, dù cha mẹ có già đi thì họ vẫn muốn là chỗ dựa của con cái.
- 26-10-2017Không hề nuông chiều, đây là cách dạy con cực nghiêm khắc mà nhiều cha mẹ sao đã áp dụng
- 26-10-2017Con trẻ "càng dạy càng hư" vì 9 hành động này của bố mẹ: Điều thứ 2 nhiều người mắc phải!
- 25-10-20178 điều thú vị trong cách nuôi dạy con của cha mẹ Thụy Điển
Khi còn học đại học, một lần, mấy sinh viên rủ nhau về nhà giáo sư chủ nhiệm liên hoan sau lần cả lớp chia tay nhau về các tỉnh thực tập. Sau khi buổi tối vui vẻ kết thúc, trên mâm bày la liệt bát đĩa bẩn. Mấy em sinh viên nữ vội vàng xắn tay áo lên định bê mâm bát đi rửa nhưng giáo sư mỉm cười ngăn lại:
-Đừng vội, có người rửa đây này!
Giáo sư đem bát đĩa bỏ vào bồn rửa, trước tiên ông dội hết dầu mỡ, sau đó nhẹ nhàng tiến về phía người mẹ già 70 tuổi nói:
-Mẹ, rửa chén đi nhé…
Các sinh viên đứng đó, ngẩn ngơ, không hiểu vì sao một người thanh tao, nho nhã như ông lại có thể đối xử với người mẹ đã lớn tuổi như thế. Nét mặt ai cũng hốt hoảng và nghi ngờ, không tin vào những gì mình chứng kiến.
Nhưng người mẹ già của giáo sư thì thay đổi hẳn nét ủ rũ nãy giờ trên bàn ăn. Bà chậm rãi đi đến bên cạnh bồn rửa bát và từ từ rửa từng thứ, mất khoảng nửa tiếng mới xong. Sau đó, giáo sư lại nhẹ nhàng nói với bà cụ:
-Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!
Ông cầm khăn mặt, chậm rãi lau tay cho mẹ. Nắm bàn tay mẹ, ông lau rất nhẹ nhàng. Sau đó, ông đưa mẹ vào phòng, dặn dò bà "cần gì mẹ cứ gọi con nhé". Tiếp đó, ông trở ra ngoài, lại quay vào bếp, đem bát đĩa ra rửa một lần nữa.
Giáo sư nhìn lũ học trò, thấy đứa nào đứa nấy vẫn còn kinh ngạc không hiểu chuyện gì, bèn từ từ giải thích:
-Các em rất ngạc nhiên phải không? Tôi thì luôn tâm niệm rằng, người mẹ nào thì cũng luôn muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù con cái có lớn khôn hay già đi thế nào nhưng trong mắt của mẹ, con mãi mãi cần sự giúp đỡ của mẹ. Tôi để bà rửa bát đũa là để muốn bà cảm thấy con vẫn cần mẹ. Hiếu thảo với cha mẹ, không chỉ là việc giúp đỡ cha mẹ mà còn là trao cơ hội để cha mẹ yêu thương chúng ta.
Khiến cho người nào đó có cảm giác là người khác còn cần mình thì họ sống mới có mục tiêu, có mục tiêu rồi thì cuộc sống mới ý nghĩa. Không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy lý tưởng sống để sống một cuộc sống vui vẻ và an yên.
Trong mắt cha mẹ, con cái luôn mãi là những đứa trẻ, dù có lớn khôn đến đâu hay già đi thế nào. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái luôn bao la, rộng lớn, cha mẹ luôn hi sinh để con cái được sống no đủ. Nếu con cái có đau ốm, có mệnh hệ gì, cha mẹ như đứt từng khúc ruột, bởi lẽ cả cuộc sống của cha mẹ bé lại bằng những đứa con.
Dù có đi xa đến đâu thì khi về tới nhà, cha mẹ luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay ôm đứa con yêu dấu. Dù con cái có làm gì thì cha mẹ luôn vị tha và đứng sau cổ vũ con cái vững bước đi theo con đường đã chọn. Con cái mãi mãi là khối thịt đỏ hỏn trong lòng cha mẹ, một báu vật trong tay cha mẹ.
Trí thức trẻ