Mía đường tăng giá, ngành đường Việt đã đến hồi thái lai?
Kể từ ngày 9/2/2021, đường nhập khẩu Thái Lan vào Việt Nam chính thức bị áp thuế chống bán phá giá với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô; cộng với việc giá đường, nhu cầu đường thế giới liên tục tăng mở ra một tương lai triển vọng cho ngành mía đường trong nước.
- 04-03-2021LSS tăng gấp đôi từ đầu năm, Mía đường Lam Sơn mang 3 triệu cổ phiếu quỹ ra bán
- 27-02-2021Nhìn lại bức tranh ngành mía đường Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021
2021 - Ngành mía đường không còn đắng
Những ngày giáp Tết, gia đình chị Nguyễn Lan Anh ngụ tại xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vô cùng vui mừng, ấm áp để chuẩn bị đón xuân Tân Sửu. Năm nay nhà chị trồng hơn 30ha mía. Nhờ thời tiết thuận lợi, vụ mía này của nhà chị đạt năng suất trung bình khoảng 65 tấn/ha, tăng 23% so với năm trước. Đặc biệt, gần 2.000 tấn mía tươi của nhà chị đều bán được với giá cao, ở mức 900.000 đồng/tấn. Nhờ đó cả nhà chị có điều kiện đón một cái Tết ấm no và kiên định hơn với việc gắn bó lâu dài với nghề trồng mía, sau những năm gặp khó khăn khi ngành mía đường Việt lao đao vì đường ngoại giá rẻ và đường lậu.
Giá mía tăng giúp bà con an tâm hơn để gắn bó lâu dài với cây mía
Đặc biệt, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ký và ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô. Quyết định này đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường Việt ở thị trường nội địa, giúp các nhà sản xuất, nông dân phục hồi năng lực sau thời gian dài "tổn hại" trước "cú đấm kép" đường ngoại phá giá và đường lậu. Chị Lan Anh ở Gia Lai cũng như hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía khác khắp cả nước đều hân hoan khi giá mía nguyên liệu bắt đầu tăng trong niên vụ 2020 - 2021. Đây là kết quả của chuỗi tăng giá đường thế giới trong nhiều phiên liên tiếp hồi tháng 1/2021 và sự tăng trưởng về nhu cầu nhập khẩu đường ở các thị trường lớn như EU, Trung Quốc,… Điều đó đã mở ra triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu cho mía đường Việt Nam.
Anh Đinh Văn Đông, một nông dân trồng mía khác tại xã HBông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi và đồng tình với mức thuế CBPG đường Thái Lan, có như vậy bà con làm ăn mới có lợi nhuận, mới quay lại với cây mía".
Thuế chống bán phá giá: chìa khoá "3 trong 1"
Trước nghịch lý sản lượng đường trong nước đang dư thừa, thậm chí một số nhà máy phải bán lỗ một phần đường tinh luyện dưới cả chi phí sản xuất để có nguồn tiền lưu động vận hành doanh nghiệp, nhưng Việt Nam lại thâm hụt và nhập siêu lên đến 884.285 tấn đường. Đây là con số lớn chưa từng có, sau gần một năm Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Thâm hụt thương mại ngành đường không chỉ đe doạ đến vị thế kinh tế trên bản đồ thế giới, việc làm và an sinh xã hội cho gần 37 vạn nông dân, công nhân, mà còn đe doạ đến an ninh lương thực quốc gia. Trước vấn đề thâm hụt do nghi ngờ cạnh tranh không lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu Bộ Công Thương điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ đúng đắn ngành sản xuất mía đường trong nước. Theo đó, việc Bộ Công Thương áp thuế CBPG, CTC lên đến 48,88% đối với các sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan dựa trên kết quả cuộc điều được khởi xướng ngày 21/9/2020 được đánh giá là đúng luật và là chìa khóa "3 trong 1" tháo gỡ tất cả các vấn đề trên.
Khi được áp dụng, thuế phòng vệ sẽ nâng giá đường trong nước lên cao vừa đủ. Thứ nhất, giúp bình ổn giá đường trong nước, giữ người nông dân bám trụ với cây mía, gia tăng diện tích trồng mía và năng suất tạo tiền đề tăng cao năng lực cạnh tranh bền vững trong tương lai, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân địa phương có nhà máy đường và các nhà máy phụ trợ ngành đường.
Thứ hai, không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng của nông dân, công nhân và các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa, trong dài hạn, mức thuế này sẽ góp phần duy trì thế cân bằng giữa đường nội và đường ngoại cả về sản lượng, chất lượng và mức giá, đảm bảo nguồn cung đường ổn định cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chia sẻ với phóng viên, chị Như Quỳnh ở TP. Hồ Chí Minh nói: "So với giá, tôi quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Để có thể sử dụng các sản phẩm đường chất lượng cao, an toàn cho sức khoẻ, có nguồn gốc rõ ràng, tôi chấp nhận mua với giá cao hơn. Hơn nữa, người Việt dùng hàng Việt, tôi ủng hộ việc áp thuế với đường nước ngoài bán phá giá để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất uy tín trong nước".
Chị Như Quỳnh tại TP. Hồ Chí Minh ủng hộ việc áp thuế với đường nhập khẩu bán phá giá để bảo vệ các thương hiệu đường Việt uy tín.
Thứ ba, thuế phòng vệ còn mang lại môi trường cạnh tranh công bằng, tạo cơ hội và động lực để ngành mía đường Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh thắng lợi theo thông lệ thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Báo Công Thương