Mía ngọt, đường đắng và nỗi lòng bà con nông dân trước cánh cửa hội nhập
Từng là cây xoá đói, giảm nghèo cho nông dân chục năm về trước, nhưng đứng trước ruộng mía thời điểm hiện tại, không ít người ứa nước mắt.
- 19-08-2019Điều đáng mừng từ xuất khẩu túi xách, va li, gốm sứ, mây tre
- 11-08-2019Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc và EU không đạt kì vọng
- 07-08-2019Bangladesh lo ngại sự trỗi dậy của Việt Nam đe doạ vị thế về xuất khẩu may mặc?
Trồng mía từ những năm 1984, hơn 30 năm nay gia đình nhà ông Đoàn Đắc Miên (Sơn Hoà, Phú Yên) sống dựa vào cây mía. "Vùng ngày không thể trồng gì khác ngoài mía", ông nói.
Mía được ông mô tả là giúp gia đình ông từ chỗ "chết đói" đến "khá giả". Năm 2002, nhờ mía, ông có nhà, có xe máy. Tuy nhiên, vị ngọt mía đường không kéo dài mãi.
Niên vụ 2018 – 2019 là năm thứ 3 ngành mía đường gặp khó. Cả nước hiện còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, là mức kỷ lục từ trước đến nay. Đường Việt Nam tồn kho, không bán được cũng có một phần nguyên nhân bởi gian lận thương mại khi đường nhập lậu từ Thái Lan tràn qua, với giá rẻ, gây tổn thất lớn.
3 năm mùa vụ cũng là khoảng thời gian khiến ông Miên nhận ra mình trắng tay. Tin rằng cây mía sẽ mãi sinh lời, bao tiền tích cóp từ mùa trồng trọt trước được ông đầu tư máy móc, thiết bị, san bằng mương máng để tập trung cho cây mía nhưng nông phẩm làm ra không bán được. "Nhà máy thu hoạch thì chỉ được 700 nghìn thôi, khó khăn lắm", ông cho biết. Ông Miên đã không trả nổi lãi ngân hàng.
Ông Trần Văn Muôn, một nông dân khác trên địa bàn cũng khẳng định không thể trồng cây gì ngoài mía. "Chúng tôi chưa bao giờ chuẩn bị chuyển đổi cho một loại cây khác", ông lo lắng nói. Nhìn ra đồng, ông thầm ước câu chuyện hội nhập vài năm nữa mới diễn ra. Nhưng thực tế thì chẳng còn bao lâu nữa.
Từ 1/1/2020, Việt Nam đứng trước lộ trình cam kết của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Theo đó, mặt hàng đường từ các nước trong khối Asean vào Việt Nam sẽ được xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất chỉ 5%, kéo theo đường Thái Lan, vốn được bảo hộ, trợ giá rất nhiều từ Chính phủ nước này, tràn ngập thị trường nội địa.
Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) nhận dù giá đường của Việt Nam rẻ nhưng nếu so với Thái Lan thì giá mía nguyên liệu giữa hai nước có khoảng cách chênh lệch rất lớn, khoảng 200.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, nông dân Thái Lan vẫn sống dựa vào cây mía được bởi Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ đối với người dân trồng mía nên người nông dân vẫn sống tốt dù giá thu mua mía thấp.
"Chính điều này mà vừa qua Brazil đã khởi kiện Thái Lan ra WTO, vì đã hội nhập thì phải bình đẳng. Thái Lan đã cam kết là không hỗ trợ người nông dân nữa. Nhưng thực tế họ có hỗ trợ nữa hay không thì cũng chưa ai có thể kiểm soát được", ông nói.
Mặt khác, Thái Lan có một lợi thế nữa là đất đai của họ diện tích cánh đồng lớn, bằng phẳng. Đặt biệt họ có nguồn giống riêng phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng, khí hậu của họ. Do đó cây mía đảm bảo được chất lượng cũng như năng suất cao.
Bên cạnh đó, năng suất lao động bên Thái Lan ổn định hơn. Trong khi ở Việt Nam lực lượng lao động thường rời các vùng nông thôn đến làm tại các khu công nghiệp nên việc tuyển dụng lao động tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
"Hiện tại giá đường trong nước của Thái Lan rất cao nhưng giá đường xuất khẩu lại thấp. Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp mía đường của họ", ông nói.
Do vậy, dù khẳng định rằng người nông dân Việt đã có nhiều cải tiến phù hợp với việc canh tác, bản thân doanh nghiệp cũng đã có nhiều sự đầu tư trong khai thác mía đường, ông Subbaiah cho rằng phía Chính phủ cần phải có những chính sách phù hợp để có thể bảo vệ được bà con nông dân và doanh nghiệp trong ngành trước những cánh cửa hội nhập mở toang.