Miền Bắc đối mặt nguy cơ thiếu điện ở hầu hết các giờ trong ngày: Những khách hàng nào được ưu tiên sử dụng điện?
Trước tình trạng thiếu điện cục bộ trong những ngày nắng nóng, sẽ có những đối tượng được ưu tiên cấp điện trong trường hợp công suất phân bổ về các địa phương bị tiết giảm.
- 08-06-2023'Combo' nắng nóng + mất điện; Quạt điều hòa hơi nước mini thành hàng 'thứ tồn tại duy nhất', giới văn phòng đua nhau sắm để bàn
- 05-06-2023Sợ cắt điện luân phiên, khách lùng mua quạt tích điện, đặt trước cả tuần mới có
- 04-06-2023“Sốt” máy phát, quạt tích điện, điều hoà do nắng nóng cao điểm
Nền nhiệt toàn châu Á năm nay được dự báo sẽ đạt mức cao chưa từng thấy. Thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện gia tăng, tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành Điện tại nhiều quốc gia. Tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến cho việc thiếu điện diễn ra trên diện rộng. Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ trên.
Trong những ngày qua, tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, tại khu vực Miền Bắc, tình trạng cắt điện diễn ra thường xuyên hơn do việc thiếu công suất điện diễn ra tại hầu hết các khung giờ.
Nguyên nhân là do hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Về khả năng truyền tải điện, từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Như vậy, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Trước tình hình đó, EVN được yêu cầu tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.
Cụ thể, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể; Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt; Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.
Đến nay đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW (bao gồm các nhà máy vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại). Đồng thời, tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện.
“Nhờ những nỗ lực này, đến nay, tại khu vực miền Nam và miền Trung chúng ta hoàn toàn đảm bảo cung cấp điện, riêng phía Bắc còn nhiều khó khăn. EVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất, duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn”, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh.
Tập đoàn cho biết thêm, EVN sẽ có nguồn điện bổ sung cho các địa phương tại miền Bắc, nguồn điện bổ sung này sẽ được dành ưu tiên cho một số khách hàng đặc thù được thông qua bởi UBND các tỉnh, thành phố.
Nói về đối tượng ưu tiên cấp điện trong trường hợp công suất phân bổ về các địa phương bị tiết giảm, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã lên phương án tính toán theo hướng ưu tiên cho khách hàng sử dụng điện quan trọng đã được tỉnh và thành phố phê duyệt; các dự kiện chính trị xã hội quan trọng.
Thứ hai là ưu tiên cho các khách hàng căn cứ vào thực tế của các địa phương như các đơn vị sản xuất các mặt hàng thiết yếu như sản xuất nước sạch, tlương thực - thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi sản phẩm đứng đầu, các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động cũng được ưu tiên sử dụng nguồn điện.
Nhịp sống thị trường