Minh bạch quyền lực của Bộ Công Thương
“Quyền lực của Bộ trưởng, của Bộ Công Thương tại dự thảo luật là rất lớn, vậy điều khoản nào để minh bạch quyền lực này?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.
- 10-09-2016Bộ Công Thương khẳng định đưa Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch là không “đốt cháy giai đoạn”
- 08-09-2016Bộ Công thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD
- 08-09-2016Đại diện Bộ Công Thương nói về dự án thép của Hoa Sen ở Ninh Thuận
Tiếp tục phiên họp thứ ba, sáng 14/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh không có mặt. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú trình bày tờ trình dự án luật.
Theo tờ trình, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, bao gồm quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương.
Nhất trí với phạm vi này, song Thường trực Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - chưa đồng tình với một số quy định cụ thể.
Chẳng hạn, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng. Việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được thể hiện ngay trong luật, phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Hay, dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.
Còn tại thường trực cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc này có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau.
Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, các điều quy định thẩm quyền áp dụng trong dự thảo luật đều tập trung đầu mối là Bộ Công Thương.
Bên cạnh quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như đã nói trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương còn có thẩm quyền công bố hàng hóa cần áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, công bố lượng hạn ngạch, phương thức điều hành đối với từng hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan, quyết định công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng...
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhận xét, đọc dự thảo luật có cảm giác nặng nề, khi thiên về quản lý nhiều hơn là phát triển ngoại thương.
“Quyền lực của Bộ trưởng, của Bộ Công Thương tại dự thảo luật là rất lớn, vậy điều khoản nào để minh bạch quyền lực này?”, ông Bình đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt câu hỏi, luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, điều này hạn chế thế nào đến quyền tự do kinh doanh đã được hiến định? Mối quan hệ của Luật Quản lý ngoại thương với Luật Thương mại thế nào cũng là vấn đề được Chủ tịch nêu.
Trả lời những câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Cẩm Tú khá lúng túng, ông loay hoay tìm tài liệu và chủ yếu nhắc lại nội dung đã nêu ở tờ trình.
VnEconomy