Miniso "giả Nhật”, Mumuso "nhái Hàn”- Những thương hiệu từ Trung Quốc “tung hoành” khắp thế giới nhờ lý luận "sao chép văn hóa không hề phạm pháp"
Nhiều năm trước, định nghĩa “hàng nhái” thường chỉ những mặt hàng thời trang Âu-Mỹ được sản xuất giá rẻ tại Trung Quốc. Nhưng đến ngày nay, hàng nhái Trung Quốc đã chuyển sang ẩn mình trong các chuỗi cửa hàng với xuất xứ cực kỳ “mập mờ”.
Miniso, Mumuso, MiniGood, Ilahui, Yubiso, Ximiso… hàng loạt cái tên nghe tưởng như là tiếng bập bẹ của trẻ con nay đã xuất hiện khắp nơi trên toàn cầu, từ tòa nhà cổ kính tại Vancouver cho đến đại siêu thị hiện đại ở Seoul. Thế giới đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của các cửa hàng đồng giá Trung Quốc với khả năng cung cấp mọi thứ, từ dép đi nhà tắm cho đến cáp USB đủ màu sắc.
"Ông hoàng" Miniso
Miniso được đánh giá là đại diện tiêu biểu cho xu hướng này. Xuất hiện lần đầu vào năm 2013, Miniso nhanh chóng trở thành một hiện tượng với hơn 2.600 cửa hiệu khắp 60 nước. Miniso còn tự hào "khoe" doanh thu 1,8 tỷ USD nhờ vào mô hình "3 cao - 3 thấp": hiệu quả cao, công nghệ cao, chất lượng cao và giá thấp, chi phí thấp, lợi nhuận thấp.
Tuy sản phẩm của Miniso hiện đã đến tay hàng triệu người dùng, nhưng chẳng mấy ai biết được sự thật về nguồn gốc của nhãn hiệu "có vẻ là Nhật Bản" này.
"Lần đầu tiên vào Miniso, tôi tưởng thương hiệu và sản phẩm phải đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc." - theo Andrea Mak, một người tiêu dùng Hồng Kông: "Nhất là thiết kế sản phẩm, như ấm pha trà có hình con cá ngựa này, nó không khác gì một sản phẩm của Muji Nhật, chưa kể cách trang trí cửa hàng cũng na ná như Uniqlo."
Andrea không phải là người duy nhất nhận ra việc này. Miniso luôn bị cáo buộc sao chép nhiều nhãn hiệu Nhật Bản, như khi vừa xuất hiện trên thị trường, logo của Miniso ngay lập tức bị đánh giá là "y chang" hãng thời trang Uniqlo.
Không những thế, những đồ dùng trong nhà mang phong cách tối giản của Miniso cũng chẳng khác gì nhãn hiệu Muji. Và cuối cùng là mô hình kinh doanh của Miniso là một bản sao hoàn hảo của chuỗi cửa hàng đồng giá Daiso.
Nhưng các điểm tương đồng kia chẳng là gì so với tuyên ngôn hùng hồn "Thương hiệu thiết kế Nhật Bản" ngay trên website chính thức của Miniso. Nhãn hiệu này còn nhấn mạnh được sáng lập bởi nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Junya và doanh nhân Trung Quốc Ye Guofu tại Tokyo.
Đối mặt với áp lực dư luận, Miniso thừa nhận rằng trụ sở chính của công ty thực chất nằm tại Quảng Châu, với gần 85% sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, còn lại là từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Dù chịu nhiều cáo buộc "đánh tráo" xuất xứ, thậm chí nhà sáng lập người Nhật Miyake Junya còn được nhiều nguồn tin cho rằng chỉ là một diễn viên đóng thế, tốc độ phát triển của Miniso vẫn luôn duy trì ở mức độ "kinh hoàng".
Vào tháng 9 vừa qua, Miniso vừa nhận thêm 144 triệu USD từ gã khổng lồ công nghệ Tencent và quỹ đứng đằng sau thành công của JD.com và Baidu - Hillhouse Capital.
Với tình hình kinh doanh hiện tại, Miniso tự tin sẽ đạt doanh thu 14,5 tỷ USD với hơn 10.000 cửa hàng trên khắp thế giới vào năm 2020.
"Đệ tử chân truyền" Mumuso
Kể từ khi xuất hiện vào năm 2014 với chữ ".KR" trên logo và "Korea" ngay trên bảng hiệu và bao bì, Mumuso ngay lập tức bị cáo buộc đánh lừa người dùng là một thương hiệu Hàn Quốc, dù trụ sở chính đặt ở Thượng Hải.
Dù tuyên bố rằng mình có văn phòng tại Seoul, nhưng truyền thông Hàn Quốc nhanh chóng tìm hiểu được đây chỉ là một công ty "ma". Đối mặt với chỉ trích dữ dội từ Hàn Quốc, Mumuso đến nay vẫn chưa dám mở một cửa hàng nào tại quốc gia nằm trên thương hiệu của mình.
Vào tháng 8, đại sứ quán Hàn Quốc tại Guatemala đã phát đi thông báo khẩn nhằm đính chính dư luận: "Mumuso đã mở 4 cửa hàng lớn tại Guatemala và Mixco … Xin khẳng định là đây là một thương hiệu "sao chép" Hàn Quốc, hoàn toàn không phải là công ty Hàn Quốc và không có bất kỳ sản phẩm nào của Hàn Quốc".
Tuy nhiên, tại những nước như Việt Nam, nơi mà làn sóng ca nhạc, phim ảnh, làm đẹp Hàn Quốc đã "làm mưa làm gió" trong hơn một thập kỷ qua, người tiêu dùng trẻ ngay lập tức ủng hộ mạnh mẽ thương hiệu "Hàn Quốc" Mumuso.
Michael Hurt, giáo sư Đại học Seoul, hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy cửa tiệm Mumuso tại Việt Nam. "Ngay lập tức, tôi phải chụp hình lại, tất cả chữ Hàn Quốc trên sản phẩm đều không có nghĩa gì cả, một số từ còn sai ngữ pháp trầm trọng… Nhưng đáng quan ngại nhất là sự sao chép trong marketing, trang trí, hình ảnh và đóng gói."
Nhưng dù Mumuso có công khai sao chép một "trải nghiệm" Hàn Quốc, điều này hoàn toàn khác với việc làm giả chiếc túi Louis Vuitton. Michael nói tiếp: "Theo tôi, họ chỉ sao chép "vẻ đẹp" của Hàn Quốc. Và Hàn Quốc đâu thể nào đăng ký bản quyền cho "vẻ đẹp" của mình được".
Chính vì thế, dù nhận nhiều chỉ trích từ truyền thông, Mumuso chỉ bị phạt hơn 322 triệu đồng vì hành vi kinh doanh hàng lậu, trong đó có mỹ phẩm nhập khẩu lậu tại Việt Nam. Thông báo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương nêu rõ 99,3% hàng hóa của công ty này được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp trong nước.
Nhưng đó cũng là điểm "phi pháp" duy nhất. "Trong trường hợp Mumuso Việt Nam, nhãn hiệu này hoàn toàn không bị phạt vì cố tình "sao chép" thương hiệu Hàn Quốc, Mumuso bị chính quyền phạt do cố tình "mập mờ" xuất xứ sản phẩm", theo Christine Chen, một chuyên gia về bản quyền và thương mại từ Đài Loan.
Sao chép văn hóa
Cho đến nay, dù đang "đánh lừa" người dùng tại hàng trăm nước, các nhãn hiệu như Miniso và Mumuso chưa hề nhận một bản án vi phạm bản quyền nào vì "văn hóa" là một thứ không thể đăng ký được.
Tại Hàn Quốc, các thương hiệu mang phong cách Pháp như Tous Les Jours và Paris Baguette cũng đang làm điều tương tự. Theo Jaewoo Seo, chuyên gia thương hiệu Hồng Kông: "Rất nhiều thương hiệu Hàn Quốc cũng đang sao chép văn hóa Pháp. Là một người đã lớn lên tại Pháp, Bánh sừng bò và Bánh mì Pháp của Tous Les Jours và Paris Baguette hoàn toàn không giống những sản phẩm có thể mua được tại Pháp."
Michael Hurt còn dẫn chứng thêm một số ví dụ về thương hiệu Hàn Quốc mang "phong cách" Hoa Kỳ: "Có hẳn một chuỗi quán bar mang tên JS Texas đã hoạt động hàng chục năm. Ngoài ra còn rất nhiều nhà hàng với phong cách Mỹ đang hoạt động mạnh tại Hàn Quốc".
Suy cho cùng, Miniso, Mumuso và các thương hiệu khác hoàn toàn "hợp pháp" dưới góc nhìn của luật bản quyền hiện nay. Các thương hiệu này chỉ phạm pháp nếu dám đánh tráo nhãn "Sản xuất tại …" trên bao bì sản phẩm.
Việc sao chép "phong cách", "văn hóa" hay thậm chí là để hẵn chữ "Japan" và "Korea" trên logo và bao bì hoàn toàn hợp pháp vì từng sản phẩm vẫn được chú thích rõ về nguồn gốc thật sự của mình.
Dù bị tẩy chay đến cách mấy, các thương hiệu nhái Trung Quốc trên vẫn phát triển "khỏe re" nếu như người dùng tiếp tục mua sắm tại đó. Chỉ có khách hàng mới quyết định được sự thành bại của Miniso và Mumuso, không phải chính quyền và pháp luật.
Trí thức trẻ