MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình cửa hàng tiện lợi không nhân viên ở Singapore

05-01-2020 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

Chi phí xây dựng một cửa hàng tự động không nhân viên vào khoảng 108.000 USD. Các cơ quan chính phủ như Enterprise Singapore, có thể hỗ trợ đến 70% chi phí công nghệ cần thiết để xây dựng một cửa hàng tự động.

Shawn Hong, sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính, đang chăm chú đứng trước một tủ mát chứa đầy những chai nước ngọt tại cửa hàng tiện lợi nằm trong khuôn viên trường đại học quốc gia Singapore.

Vốn rất quan tâm đến sức khỏe, Hong, 24 tuổi, quyết định chọn một chai trà xanh không đường. Sau đó, anh đi về hướng quầy thu ngân, nơi có một chiếc màn hình điện tử rất to được gắn chặt vào tường.

Để thanh toán, Hong chỉ cần quét bàn tay của anh trên màn hình. Đó là tất cả những gì anh cần phải làm để hoàn tất quá trình giao dịch và không cần phải tương tác với bất kỳ một nhân viên nào. Cửa hàng tiện lợi kể trên chính là một trong những cửa hàng không có nhân viên, thuộc Octobox, một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu Singapore về lĩnh vực bán lẻ mới lạ này.

“Điều này rất tiện lợi đối với các đối tượng học sinh, sinh viên như chúng em”, Hong chia sẻ. “Đặc biệt là khi em đột nhiên muốn mua đồ gì đó vào nửa đêm”.

Mô hình cửa hàng tiện lợi không nhân viên ở Singapore - Ảnh 1.

Octobox mở cửa hàng tiện lợi không nhân viên đầu tiên tại Đại học Quốc gia Singapore hồi tháng 8. Ảnh: Nikkei Asian Review.


“Chúng tôi mang đến sự tiện lợi cho khách hàng với mức giá rẻ, mong muốn đáp ứng được mọi nhu cầu của họ”, theo Ng Kiat Seng, giám đốc điều hành của Octobox.Những khách hàng trẻ, yêu thích công nghệ chính là những đối tượng khách hàng mà Octobox nhắm đến. Công ty đang có ý định mở rộng sang các thị trường mới như Malaysia, Đài Loan và Indonesia, nơi công ty muốn mở 10 cửa hàng tự động trong năm tới.

“Đây là cách chúng tôi có thể phát triển bền vững trong dài hạn”, Ng chia sẻ. Anh cũng bổ sung rằng chi phí xây dựng một cửa hàng rơi vào khoảng 108.000 USD.

Ng cho biết trong vòng 3 tuần kể từ khi cửa hàng tự động của công ty được mở trong khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore, có đến 3.000 sinh viên đăng ký tạo hồ sơ khách hàng, trong đó bao gồm việc quét bàn tay. Những bản quét bàn tay đó sẽ được thu thập cùng với số điện thoại của người dùng.

Octobox cũng đang lên kế hoạch mở thêm 4 cửa hàng tương tự tại Singapore, áp dụng chiến lược tương tự là nhắm vào những cộng đồng người tiêu dùng nhỏ như các phòng tập thể hình có tiếng, hoặc các khu dân cư.

Mô hình cửa hàng tự động đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ các đơn vị bán lẻ tại Singapore, nơi nguồn nhân lực luôn trong trạng thái thiếu hụt, trong khi chi phí nhân công lại ngày một tăng cao.

Nhiều nhà bán lẻ địa phương cũng tự phát triển những mô hình cửa hàng không nhân viên, trong đó phải kể đến trường hợp chuỗi cửa hàng của Cheers. Công ty đã cho ra mắt cửa hàng đầu tự động đầu tiên của mình trong khuôn viên một trường đại học vào năm 2017. Các hãng bán lẻ khác như OMO Store và Pick and Go cũng không muốn bị chậm chân trong cuộc đua này.

Sự ủng hộ từ phía chính phủ cũng đã góp phần giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng số lượng các cửa hàng tự động tại Singapore. Các cơ quan chính phủ như Enterprise Singapore, có thể hỗ trợ đến 70% chi phí công nghệ cần thiết để xây dựng một cửa hàng tự động.

“Các cửa hàng tự động sẽ đóng một vai trò nhất định trong quá trình phân phối một số loại hàng hóa, cũng như mang lại những trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng”, theo Alan Yeo, giám đốc lĩnh vực bán lẻ và thiết kế thuộc Enterprise Singapore.

Công việc hỗ trợ bán hàng sẽ không hoàn toàn biến mất, Yeo cho biết. Với những mặt hàng đặc thù như phần cứng máy tính, những nhân sự có kinh nghiệm vẫn sẽ rất cần thiết để có thể giải thích cho khách hàng về những tính năng đa dạng của sản phẩm đó.

Mô hình cửa hàng tiện lợi không nhân viên ở Singapore - Ảnh 2.

Các cơ quan chính phủ như Enterprise Singapore, có thể hỗ trợ đến 70% chi phí công nghệ cần thiết để xây dựng một cửa hàng tự động. Ảnh: Nikkei Asian Review.


Các hệ thống cửa hàng tự động của Singapore cho biết họ rất thận trọng để không mắc lại những sai lầm đã dẫn đến sự thất bại của nhiều hệ thống cửa hàng tương tự tại một vài quốc gia khác. Một cơn sốt các cửa hàng tự động đã bùng nổ tại Trung Quốc và nhanh chóng biến nhất không lâu sau đó, sau khi các cửa hàng này không thể phân phối hiệu quả các sản phẩm tươi sống.

Toh Hong Aik, giám đốc điều hành của U-Venture Investment, đơn vị sở hữu OMO, cho biết, ông đã phải đích thân đi đến Trung Quốc để học hỏi những kinh nghiệm trong việc phát triển hệ thống cửa hàng tự động tại đây.

Nhược điểm của hệ thống cửa hàng tại Trung Quốc đó là các cửa hàng yêu cầu khách hàng phải trải qua quá nhiều lớp xác thực mới có thể hoàn thành được giao dịch. Điều đó vô tình tạo ra sự bất tiện, ngay trong những cửa hàng được gọi là tiện lợi.

“Khách hàng muốn mọi thứ diễn ra một các nhanh gọn”, Toh cho biết. “Vì vậy, điều đầu tiên mà chúng tôi thử nghiệm tại các cửa hàng của mình là loại bỏ những bước xác thực không cần thiết”.

Ông cũng bổ sung thêm rằng trải nghiệm khách hàng trong các cửa hàng tự động là điều mà công ty hết sức quan tâm. Tất cả những thay đổi sẽ được thực hiện nếu cần thiết, với mục tiêu cao nhất là giúp người mua hàng luôn cảm thấy thỏa mái.

Theo các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực công nghệ tại ABI Research, những cửa hàng hoàn toàn tự động trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng từ con số chưa đến 500 cửa hàng trong năm nay lên hơn 44.000 cửa hàng trong năm 2023. Do đó, ít nhất là tại Singapore, các cửa hàng tiện lợi tự động vẫn còn một khoảng thời gian rất dài mới có thể đuổi kịp được xu hướng này trên thế giới.

“Mô hình kinh doanh này vẫn chưa quá phổ biến, ít nhất là trong ngắn hạn”, theo Su Lian Jye, chuyên gia phân tích trưởng tại ABI Research. Anh cũng cho biết thêm rằng, để mô hình này trở nên thực sự phổ biến tại Singapore, đòi hỏi các nhà bán lẻ lớn đang hoạt động trên thị trường phải cùng nhau ủng hộ và phát triển mô hình cửa hàng tự động”.

Theo Trọng Đại

NDH

Trở lên trên