MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi giới BĐS mùa dịch, chỉ 1% sàn có doanh thu ổn định

08-09-2021 - 08:37 AM | Bất động sản

Môi giới BĐS mùa dịch, chỉ 1% sàn có doanh thu ổn định

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định và có tới khoảng 32% số sàn không có doanh thu.

Cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ việc

Kết quả khảo sát 500 sàn giao dịch bất động sản, nơi làm việc của 75.000 môi giới nhà đất (khoảng 1/3 tổng số sàn giao dịch bất động sản) trên cả nước của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các sàn giao dịch bất động sản rất lớn.

Theo đó, trong số hàng trăm sàn giao dịch bất động sản được khảo sát, có 28% sàn có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì hoạt động, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% sàn giao dịch còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

“Nếu phải chống đỡ với khó khăn dịch bệnh thêm 1 - 2 tháng nữa, tỉ lệ phá sản các sàn giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao” Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo.

 Môi giới BĐS mùa dịch, chỉ 1% sàn có doanh thu ổn định  - Ảnh 1.

Các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVI-19 kéo dài, nhiều sàn phải giải thể, đóng cửa...

Theo VARS, hiện chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50 - 80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu.

Điều đáng nói, do không có doanh thu, quỹ lương cạn kiệt, 78% sàn giao dịch bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ việc, tạm nghỉ việc không lương. Theo khảo sát, có hơn 26.300 môi giới nhà đất đang làm việc tại 500 sàn giao dịch bất động sản không có thu nhập, số môi giới nhà đất còn lại được hưởng lương cơ bản hoặc được hưởng 50% lương cơ bản.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do các sàn giao dịch bất động sản hết quỹ lương, và có khoảng 89% sàn giao dịch bất động sản không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đang đối mặt 4 khó khăn. Thứ nhất, là chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu đang áp lực rất lớn.

Thứ hai, là rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới chịu trách nhiệm hoặc rủi ro mất tiền cọc, bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ.

Thứ ba, là khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền để nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội… do không có nguồn thu.

Thứ tư, là rủi ro bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Từ những khó khăn trên, VARS kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành môi giới bất động sản vào nhóm được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản BHXH, sớm ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, hội đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội; không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch. Sớm thanh toán hoặc thanh toán một phần để các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động…

Môi giới "chật vật" vì mất việc

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 đã khiến cho không chỉ doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế khó, mà trong đó số lượng môi giới liên quan đến lĩnh vực này lao đao vì bị mất việc làm.

Nhiều môi giới thậm chí 5-6 tháng liền không có đồng thu nhập nào, một mặt vì không có sản phẩm để bán, hoặc có sản phẩm nhưng không bán được. Không những thế, một số khác thì bị chủ đầu tư nợ phí "hoa hồng" khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

 Môi giới BĐS mùa dịch, chỉ 1% sàn có doanh thu ổn định  - Ảnh 2.

Nhiều môi giới bất động sản bị mất việc, Công ty cho tạm nghỉ việc không lương đang gặp nhiều khó khăn do mắc kẹt ở Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh minh họa.

Chị Huyền (30 tuổi, quê ở Ninh Bình) – môi giới một sàn bất động sản ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) mắc kẹt tại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, chị được công ty thông báo cho tạm nghỉ việc không lương chờ đến khi có kế hoạch kinh doanh mới.

“Gần 2 tháng nay tôi phải nghỉ làm ở nhà. Nghề môi giới bất động sản sống bằng tiền hoa hồng chứ lương từ công ty có 3 triệu đồng/tháng thì chỉ đủ tiền thuê nhà. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh tôi không thực hiện được giao dịch nào nên nhiều tháng nay tôi cũng không có lương từ công ty. Do đó, mấy tháng nay tôi phải chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trước đó. Giờ tiền tiết kiệm cũng đã cạn, không biết thời gian tới phải xoay sở ra sao”, chị Huyền nói.

Cũng theo chị Huyền, không ít đồng nghiệp của chị gặp khó khăn khi dịch bệnh phức tạp vẫn mắc kẹt tại Hà Nội và không có thu nhập.

Các chuyên gia trong ngành khuyến cáo môi giới cần phải hết sức tỉnh táo ngay thời điểm này, bởi nếu không có cách xoay chuyển tình thế một cách tốt nhất thì môi giới rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí càng lún sâu hơn khi dịch qua đi.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách xã hội, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được COVID-19.

Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn, các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn lại tiếp tục tạm ngừng hoạt động.

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì được hoạt động. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Theo Ninh Phan

Tiền phong

Trở lên trên