Mối nguy lớn khi đồ gỗ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các chuyên gia lo ngại về việc hàng Trung Quốc “đội lốt” sản phẩm “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ. Và Việt Nam sẽ là nước phải hứng chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai “ông lớn” này.
- 29-08-2018Doanh nghiệp kiến nghị kiểm soát chặt đồ gỗ xuất khẩu
- 25-08-2018Mỹ tăng cường nhập gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam
- 14-08-2018“Đột nhập” làng nghề làm thớt gỗ trứ danh ở miền Tây
Mới đây nhất, ngành thép Việt Nam hứng chịu bài học “cay đắng” sau khi thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá mức “khủng” 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44%. Ngay sau đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Không chỉ thép, mặt hàng gỗ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết “Nếu các công ty Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn cho hàng Việt”.
Hiện các ông chủ Trung Quốc đang mở rộng đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất để tận dụng thị trường Việt Nam, đội lốt sản phẩm Việt Nam rồi xuất sang Mỹ. Điều đáng lo ngại là việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ồ ạt sang Việt Nam sẽ đẩy lượng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, từ đó ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. Nếu tình trạng này xảy ra, chính quyền Tổng thống Donal Trump chắc chắn sẽ “để mắt” tới sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam và nhiều khả năng việc áp thuế chống bán phá giá như đã làm với thép sẽ xảy ra. Điều này gây thiệt hại lớn đến DN sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ trong nước.
Trước tình trạng cấp bách trên, các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu đang kiến nghị các ngành chức năng kiểm soát chặt xuất xứ các sản phẩm gỗ nhằm tránh tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam.
Một chuyên gia cho biết, mặc dù chưa có thống kê thiệt hại cụ thể của các doanh nghiệp, nhưng tình trạng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nỗi lo mất thị trường bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Thị trường vẫn còn, nhưng miếng bánh đã không còn là của mình mà nằm trong tay người khác.
Hiện tại, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất siêu lâm sản chính tháng 7.2018 ước tính đạt trên 681 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 5,025 tỉ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước tính đạt 3,77 tỉ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỉ USD.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, một trong những tác động lớn nhất đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại này là nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn.
Lao động