MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Món quà tuyệt vời nhất dành cho ai đó là thời gian, tình yêu và sự chú ý của bạn: Không cần quyến rũ, hài hước, hướng ngoại, bạn vẫn có thể được nhiều người yêu quý

12-02-2020 - 20:30 PM | Sống

Tôi chưa bao giờ là tuýp người duyên dáng tự nhiên thu hút được nhiều người vây quanh. Tôi không biết nói đùa và cũng không biết bắt chuyện trong những bữa tiệc. Tôi không giỏi giao tiếp. Tôi cứ ngỡ mình sẽ mãi sống cuộc đời mờ nhạt, chẳng là ai và chẳng ai nhớ đến.

Ngày đầu tiên của năm học lớp 8 đã dạy tôi thế nào là “mờ nhạt”. Tôi chuyển đến một ngôi trường mới và chưa kết bạn với ai. Giờ ra chơi, tôi cầm chai nước tìm cho mình một chỗ ngồi ở canteen và thở dài. Chẳng còn cái bàn trống nào. Mặc dù vẫn còn ghế trống, tôi không đủ dũng khí yên vị giữa một đám đông mà mình không quen ai. Thế là cả tuần đầu tiên, tôi với chai nước đi khắp khuôn viên trường đến hết giờ ra chơi chỉ để tỏ vẻ mình bận rộn và cần đi đâu đó.

Ngay cả khi đã lớn lên, tôi chưa bao giờ là tuýp người duyên dáng tự nhiên thu hút được nhiều người khác vây quanh. Tôi không biết nói đùa và cũng không biết bắt chuyện trong những bữa tiệc. Tôi không giỏi giao tiếp. Tôi đã nghĩ mình sẽ phải chấp nhận sống mãi cuộc đời mờ nhạt.

Dần dần tôi cũng học được cách thích nghi. Tôi nghiệm ra rằng nếu bạn duyên dáng, hài hước, hướng ngoại, bạn thật may mắn. Thế nhưng xét về dài hạn, hành động của bạn mới là yếu tố quyết định. Bạn sẽ được nhiều người yêu quý nếu hành động của bạn khiến người ta thích bạn, tôn trọng và tìm đến bạn. Sau đây là 7 cách để bạn đạt được điều đó.

Làm sứ giả 

Rất lâu trước cái hồi tôi biết cách khắc phục sự nhút nhát trong giao tiếp của mình, bạn bè vẫn biết đến tôi là một người có thể hòa giải các cuộc cãi vã. Trong mắt các bạn, tôi là người khách quan, công bằng và tỉnh táo.

Khi bạn có danh tiếng này, người khác sẽ tìm đến bạn như những cố vấn đáng tin cậy khi có xung đột xảy ra. Để đảm nhận vai trò này, bạn nên lắng nghe nhiều hơn là nói. Cũng đừng đứng về phe nào cả. Tránh chủ quan đưa ra một ý kiến bất đồng cụ thể. Nếu ai đó yêu cầu bạn nói ra ý kiến, bạn có thể trả lời: “Các cậu lần lượt giải thích sự việc cho mình được không?”. Bạn sẽ ngạc nhiên vì xung đột có thể được giải quyết khi mà bạn không tốn nhiều công sức lắm, nhưng bạn vẫn được ghi nhận trong mắt người khác là người hòa nhã và công bằng.

Đưa ra những lời khen khó quên

Ai cũng có thể đưa ra lời khen nhưng phần lớn những lời khen đều chung chung và hời hợt như: “Đôi mắt cậu rất đẹp” hay “Tôi thích phong cách làm việc của cậu”, chẳng có phẩm chất đặc biệt nào của đối phương được nhắc đến ngoài một chút thái độ ngưỡng mộ của bạn.

Một lời khen khó quên thường thỏa mãn 3 yếu tố:

Tính giới hạn: Lời khen hướng đến một khía cạnh nhỏ trong hành động, chuyên môn hay giá trị của đối phương.

- Cụ thể: Nhấn mạnh vào chi tiết khiến ai cũng không thể bỏ qua mà không khen ngợi.

- Đúng sự thật: Lời khen thể hiện sự trân trọng kỹ năng, khẩu vị, giá trị của đối phương và quan trọng nhất là bạn phải phản ánh đúng sự thật. 

Món quà tuyệt vời nhất dành cho ai đó là thời gian, tình yêu và sự chú ý của bạn: Không cần quyến rũ, hài hước, hướng ngoại, bạn vẫn có thể được nhiều người yêu quý - Ảnh 1.

Không tính toán

Tôi từng quan niệm khi mình cho đi, mình nên chờ để được nhận lại trước khi tiếp tục cho đi lần nữa. Đó là một sự hiểu lầm. Luôn đòi hỏi việc có qua có lại chỉ dẫn đến sự oán giận.

Cho đi một cách vô tư, bạn sẽ nhận lại lợi ích, ngay cả khi người nhận không làm lại điều tương tự. Khi bạn chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình, những bài học bạn đã học sẽ được củng cố. Khi bạn giúp đỡ ai đó, bạn sẽ thấy tự hào vì mình đã làm được việc có ích.

Điều này không có nghĩa là bạn cứ để người khác lợi dụng mình hết lần này đến lần khác. Chỉ là khi việc bạn cho đi xuất phát từ lòng tốt thay vì nghĩa vụ, bạn sẽ trở thành người được nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ và tôn trọng.

Hỏi, đừng kể lể

Tính cách trầm, ít nói đem đến cho tôi một lợi ích: Tôi chưa bao giờ là kiểu người coi mình là cái rốn của vũ trụ - kể lể liên hồi về cuộc đời của mình như thể trên thế giới này không còn ai khác.

Để bù đắp những thiếu sót trong kỹ năng giao tiếp của mình, tôi học cách đặt câu hỏi. Khi bạn đặt một chuỗi những câu hỏi nối dài cuộc trò chuyện, bạn sẽ khuyến khích đối phương nói còn bạn thì hiểu hơn về họ. Bạn có thể hỏi: “Cậu làm gì trong tổ chức đó?”, “Hay thế, cậu kể kỹ hơn về tình huống đó được không?”, “Làm thế nào mà cậu có được?”, “Sau đó như thế nào nữa?” để đối phương có chuyện để kể.

Một khi đã hình thành được thói quen đặt câu hỏi, việc giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn bè, đồng nghiệp của bạn sẽ rất trân trọng khoảng thời gian được ở bên bạn vì họ được nói về chủ đề yêu thích: chính họ.

Ghi nhớ những chi tiết nhỏ

Một người cấp trên của tôi có thói quen tìm ra những chi tiết đặc biệt của những người xung quanh và khi có dịp thì chỉ ra một cách rất tình cờ và có duyên. Khi anh ấy đọc một bài báo, bắt được một chi tiết thú vị hay một người gợi nhắc anh ấy về ai đó, anh ấy sẽ thốt lên kiểu như: “Có phiên đấu giá búp bê Nga này rất hay này. Anh nhớ là mẹ em có cả một bộ sưu tập búp bê đúng không?”

Bạn không cần quá khắt khe soi mói vào thói quen của người quen, nhưng bạn nên tự tìm cách ghi nhớ những chi tiết đặc biệt về những người xung quanh. Đối phương sẽ nhận ra là bạn quan tâm họ.

Món quà tuyệt vời nhất dành cho ai đó là thời gian, tình yêu và sự chú ý của bạn: Không cần quyến rũ, hài hước, hướng ngoại, bạn vẫn có thể được nhiều người yêu quý - Ảnh 2.

Đừng phàn nàn

Nhiều người có thói quen bày tỏ sự tiêu cực mỗi khi mọi chuyện không như ý muốn. Tôi hiểu điều này vì tôi cũng là một trong số đó. Sau nhiều năm bị hỏi: “Sao lúc nào cậu cũng tiêu cực thế?” tôi bắt đầu ý thức hơn về hành động của mình.

Tránh những cảm xúc tiêu cực và thôi phàn nàn không thể ngay lập tức biến bạn thành người được nhiều người yêu quý nhưng việc bạn luôn bới lông tìm vết, luôn bắt lỗi trong mọi chuyện sẽ khiến những người xung quanh bạn khó chịu. Khi bạn cảm thấy có một nguồn năng lượng cứ hối thúc bạn tiêu cực, hãy thử:

1. Nghĩ về điều tiêu cực đó nhưng không nói ra.

2. Thay đối góc độ nhìn nhận. Tự hỏi mình: “Mặt tích cực việc này mang lại là gì? Làm thế nào để biến chuyện đó thành tích cực?”

3. Chia sẻ với người khác những góc nhìn tích cực.

Là người đầu tiên đương đầu với cái khó

Hãy là người tiên phong. Là người đầu tiên phòng vệ. Là người đầu tiên lên tiếng chống lại bất công.

Đứng lên vì kẻ yếu thường đặt bạn vào nguy cơ bị tấn công và đó là lý do vì sao nhiều người chần chừ e ngại. Sẽ bớt nguy hiểm hơn nếu bạn là người thứ hai, thứ ba, thứ tư nhưng khi bạn là người đầu tiên đương đầu với cái khó, bạn sẽ nhận lại sự tôn trọng từ mọi người.

Nếu bạn rèn luyện được 7 thói quen kể trên, việc bạn có trở thành ngôi sao của bữa tiệc hay trở nên hài hước ở bất cứ đâu bạn đi hay không không còn là điều quan trọng, quan trọng là bạn sẽ được yêu quý nhiều hơn vì đã trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên