Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của SHB, triển vọng tích cực
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Quốc tế Moody’s Investors Service vừa công bố các mức xếp hạng mới dành cho Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Theo đó, dựa trên các yếu tố nền tảng mà SHB đã tạo dựng và triển khai thành công trong năm 2021, đánh giá kế hoạch kinh doanh 2022 và định hướng chiến lược của SHB trong 3 - 5 năm tới, Moody’s đã quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm của SHB từ ổn định lên tích cực.
Cụ thể, Moody's đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của SHB từ B2 lên B1, nâng hạng Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của SHB từ B3 lên B2, đồng thời thay đổi triển vọng xếp hạng của SHB từ ổn định thành tích cực.
Việc nâng mức xếp hạng đối với SHB của Moody’ phản ánh chất lượng tài sản của Ngân hàng được cải thiện rõ rệt, do trong năm 2021 SHB đã thu hồi nợ và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, Vinashin trước thời hạn, thể hiện sự kỳ vọng của cơ quan xếp hạng về việc cải thiện hơn nữa hồ sơ tín dụng của SHB, nhờ vào sự cải thiện vốn của Ngân hàng.
Moody’ cũng ghi nhận và đánh giá cao năng lực tài chính của SHB, khi vốn điều lệ của Ngân hàng liên tục được nâng cao, đặc biệt năm 2021 đã được tăng lên mức 26.674 tỷ đồng. Lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng rõ rệt do chi phí hoạt động và chi phí tín dụng ngày càng thấp hơn.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của SHB đạt 506,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.114 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ, hoàn thành 102% kế hoạch năm.
SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi đã hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II; kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,27%, là một trong các ngân hàng TMCP kiểm soát chi phí tốt nhất.
Cũng trong năm 2021, SHB đã chuyển giao dịch cổ phiếu của SHB từ HNX sang HOSE, tạo ra luồng gió mới đối với thị trường và các nhà đầu tư. Vốn hóa của SHB tại thời điểm 31/12/2021 đã đạt hơn 59.471 tỷ đồng (2,7 tỷ USD), gấp 8,2 lần so với 5 năm trước, đứng thứ 9 trong các Ngân hàng TMCP tư nhân và thuộc Top 30 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất HOSE, trở thành một trong những ngân hàng thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài hiệu quả.
Năm qua, thương vụ thoái 100% vốn của SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri – Thái Lan là thương vụ M&A giá trị cao thứ 2 trong các thương vụ mua bán Công ty Tài chính Tiêu dùng trên thị trường, đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông SHB, nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.
Mới đây, SHB đã chính thức công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với kết quả kinh doanh ấn tượng: Tổng tài sản của SHB đạt 515.553 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm, huy động vốn thị trường 1 đạt 388.116 tỷ đồng, tăng 2,6%, dư nợ cấp tín dụng đạt 388,196 tỷ đồng, tăng 5,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.227 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, SHB đặt mục tiêu năm 2022 tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng, SHB dự kiến tăng lần lượt 9,8% và 14,4%, đạt 504.539 tỷ và 421.715 tỷ đồng vào cuối năm nay. Nợ xấu kiểm soát dưới 1,3%.
Đại hội cổ đông của SHB cũng bầu ra HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022 – 2027. Ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục được Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới bầu và quyết nghị giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Năm 2022, ngoài việc hoàn thành tốt các mục tiêu kinh doanh, kế hoạch kinh doanh do Đại hội cổ đông đề ra, SHB sẽ quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược phát triển, bao gồm: Cải cách thể chế, cơ chế; Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; Lấy khách hàng làm trọng tâm; Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Nhịp sống kinh tế