Moody’s đánh giá cao nỗ lực “vượt lên chính mình” của OCB
Với những nỗ lực vượt bậc, chỉ trong vòng vài năm, Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) đã gần như “lột xác”, từng bước trưởng thành, trở thành một trong những ngân hàng uy tín, đáng tin cậy của khách hàng và nhiều cổ đông.
Những “quả ngọt” đầu năm 2017
Sáng ngày 10/4, lần đầu tiên, một trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới Moody's vừa công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đạt mức B2, mức cao trong các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam và chỉ dưới một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia B1 của Việt Nam.
Theo đánh giá của Moody's, OCB là ngân hàng có sự cải thiện chất lượng tài sản vượt trội, hoạt động kinh doanh hiệu quả trong điều kiện hoạt động kinh doanh đang tiếp tục tăng trưởng, tính tuân thủ và hệ thống quản trị rủi ro an toàn hiệu quả. Moody’s cũng đánh giá mức tín nhiệm B1 đối với chỉ tiêu khả năng nguồn lực thanh khoản của OCB.
Trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng đang chuyển mình sau hàng loạt chính sách vĩ mô từ NHNN và sự biến động của thị trường, OCB đã và đang từng bước khẳng định mình nhờ chủ động tái cơ cấu, không ngừng nâng cao năng lực, hướng đến các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, minh bạch và phát triển bền vững.
Nhờ vậy, tính đến ngày 31/12/2016, OCB đã đạt được những chỉ số tăng trưởng ấn tượng, cụ thể tổng tài sản tăng trưởng 29%, đạt hơn 63 ngàn tỉ đồng; tổng dư nợ tăng trưởng 35%, đạt hơn 39,6 ngàn tỉ đồng; tổng huy động thị trường tăng trưởng 51%, đạt hơn 46 ngàn tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu giảm về mức 1,51%.
Với những nỗ lực này, OCB cũng vừa được được Vietnam Report xếp hạng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng trong ngành tài chính ngân hàng. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất (tổng doanh thu, hiệu quả sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu…); uy tín truyền thông và mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm/ dịch vụ ngân hàng.
Có thể nói, kết quả đánh giá từ Moody's và Vietnam Report chính là “quả ngọt” cho những nỗ lực không ngừng, phản ánh nền tảng phát triển ổn định và sự vươn lên mạnh mẽ của OCB.
Không ngừng “Chinh phục đỉnh cao”
Ngoài nền tảng về vốn, sự đầu tư chiều sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và các tiện ích, OCB vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý rủi ro và mở rộng dịch vụ để nâng cao uy tín. Mới đây, NHNN đã chấp thuận cho OCB thành lập Công ty chuyển tiền quốc tế hoạt động trong lĩnh vực kiều hối. Theo OCB, dịch vụ kiều hối sẽ gia tăng nguồn thu dịch vụ phi tín dụng, phát triển nguồn khách hàng cá nhân, định vị dịch vụ chuyển tiền OCB tại thị trường Việt Nam và đưa thương hiệu OCB ra quốc tế.
Tổng giám đốc OCB, Ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết: “Năm nay, OCB tiếp tục trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, quyết tâm giảm nợ xấu toàn hệ thống xuống còn 1%. Đồng thời, các giải pháp đồng bộ đang được triển khai mạnh mẽ ở OCB bắt đầu từ việc gia tăng giá trị cho khách hàng trên mỗi sản phẩm dịch vụ đến chất lượng phục vụ tận tâm và cơ cấu vận hành với phương châm “tốc độ” để thực hiện lộ trình chiến lược đưa OCB vào nhóm Ngân hàng tốt nhất Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.”
Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2016, OCB hứa hẹn nhiều bước tiến mới trong khát vọng “Chinh phục đỉnh cao” và nâng tầm thương hiệu OCB đến gần những chuẩn mực quốc tế.