MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Moscow oằn mình dưới cấm vận, át chủ bài trong đế chế năng lượng Nga vẫn thoát nhờ "ngoại lệ" khó tin

17-06-2024 - 08:35 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ đã tăng cường trừng phạt Nga nhưng Gazprombank - một trong những kênh thanh toán chính cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga - vẫn tham gia hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo Newsweek, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/6 đã công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Những biện pháp này bao gồm: nhắm mục tiêu vào các tổ chức tài chính nước ngoài hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow, hạn chế quyền truy cập của Nga vào lĩnh vực công nghệ thông tin, và nhắm mục tiêu vào 300 cá nhân và tổ chức giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Moscow oằn mình dưới cấm vận, át chủ bài trong đế chế năng lượng Nga vẫn thoát nhờ

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: EPA

Theo Newsweek, khi chiến sự mới bắt đầu, ngân hàng Gazprombank nằm trong số các thực thể của Nga bị Mỹ trừng phạt, ngăn họ huy động tiền thông qua thị trường Mỹ, nhưng đó chỉ là hình phạt một phần.

Vào tháng 3/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) đã loại 7 ngân hàng Nga bị trừng phạt ra khỏi hệ thống nhắn tin của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và 3 ngân hàng khác tham gia cùng họ, nhưng không bao gồm Gazprombank.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak từng nói với hãng tin NBC vào tháng 7/2022 rằng, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa làm đủ để kiềm chế Gazprombank - ngân hàng mà ông cho rằng đang hỗ trợ tài chính cho chiến dịch của Moscow.

Cơ sở dữ liệu trừng phạt của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington lưu ý rằng, Gazprombank tiếp tục thực hiện các giao dịch bằng đô la Mỹ và euro, và vẫn là một phần của SWIFT.

Darshak Dholakia - chuyên gia về an ninh quốc gia và luật thương mại quốc tế tại công ty luật quốc tế Dechert có trụ sở tại Pennsylvania - nói với Newsweek: "Gazprombank là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt hạn chế, nhưng họ không phải chịu mức trừng phạt tương tự như Ngân hàng VTB, Sberbank, hay những ngân hàng lớn khác của Nga."

"Rõ ràng đó là một thiếu sót, nhưng tôi nghĩ đó là một điều rất dễ hiểu. Luôn có lo ngại rằng việc trừng phạt Gazprombank sẽ làm suy giảm hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào châu Âu", Dholakia nói. "Tôi nghĩ đó là lý do tại sao cho đến nay việc này hầu như bị tránh né."

Moscow oằn mình dưới cấm vận, át chủ bài trong đế chế năng lượng Nga vẫn thoát nhờ

Đã có những lời kêu gọi loại Gazprombank ra khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt đối với việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: Getty

"Kẽ hở" với Gazprombank đến từ chính Mỹ

Theo Newsweek, Gazprombank không hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine. Vào tháng 3/2022, các lệnh trừng phạt của Vương quốc Anh đã phong tỏa tài sản của Gazprombank tại Anh và ngăn các công ty Anh hợp tác kinh doanh với ngân hàng này.

Vào ngày 25/1/2023, các ngân hàng đại lý của Gazprombank tại Mỹ đã hủy tài khoản của họ, nghĩa là ngân hàng này không còn có thể chuyển khoản bằng đô la Mỹ.

Chuyên gia Dholakia lưu ý rằng, kể từ tháng 2/2022, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) đã cấp giấy phép chung cho phép thực hiện một số hoạt động lẽ ra bị cấm, bao gồm tất cả các giao dịch năng lượng, ngay cả khi những giao dịch đó liên quan đến các ngân hàng Nga bị trừng phạt.

"Điều này hơi kỳ lạ vì rất dễ dàng thêm Gazprombank vào danh sách SDN (Những quốc gia bị chỉ định đặc biệt và những cá nhân bị cấm) và rồi sau đó sửa đổi giấy phép chung này để Gazprombank được đưa vào phạm vi ủy quyền và không cản trở dòng chảy của khí đốt tự nhiên sang châu Âu", Dholakia nói.

Theo Newsweek, gần hai năm rưỡi kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu, châu Âu ít phụ thuộc hơn nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga sau khi Gazprom cắt nguồn cung cấp cho thị trường sinh lợi nhất của họ trong động thái được Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là nhằm gây áp lực lên các đồng minh của Kyiv.

Một số quốc gia EU, bao gồm Áo và Slovakia, vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga; nhưng vào tháng 9/2023, Ba Lan, Ireland và ba quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia và Litva) đã kêu gọi EU loại Gazprombank khỏi hệ thống SWIFT.

"Nếu EU trừng phạt Gazprombank, điều đó sẽ làm giảm đáng kể lý do tại sao Mỹ lại không làm như vậy", Dholakia nói. "Không có lý do gì mà Mỹ lại không làm theo."


Theo Hữu Hiển

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên