Một chiếc kẹo socola từng "cõng" đến 13 giấy phép
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lấy ví dụ để khẳng định kết quả của Bộ Công Thương trong việc giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh thời gian qua.
- 07-01-2021Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp
- 07-01-2021Sau 2 năm, Samsung kết nạp thêm 7 nhà cung ứng cấp một, 13 nhà cung ứng cấp hai vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam
- 07-01-2021Ninh Thuận đề nghị bổ sung 17.000MW năng lượng tái tạo vào quy hoạch
"Trong thời gian đầu năm 2018, có một "rừng" thủ tục vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Và Bộ Công Thương là một trong những đơn vị tiên phong trong việc giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương diễn ra vào sáng nay (7/1).
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, như với Nghị định 08 về việc sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương được ban hành, thì 95% thủ tục hành chính liên quan đến an toàn thực phẩm đã được cắt giảm. Theo ông Dũng, sau khi tháo gỡ nhiều thủ tục hành chính, hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu rất tốt.
"Có thời điểm sản xuất một cái kẹo socola cần đến 13 giấy phép. Song đến thời điểm này không còn giấy phép nào cả", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương
Trong phần phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tới nay, với 2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương); toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 220 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4 trực tiếp tại Cổng dịch vụ công của Bộ...
Năm thứ 2 liên tiếp, xuất nhập khẩu Việt Nam vượt 500 tỉ USD
Cùng với cắt giảm các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91% các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Trong đó điểm nhấn lớn nhất là kim ngạch xuất nhập khẩu. Cụ thể, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD. Qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
6 nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021
Bước sang năm 2021, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngành Công Thương cần phải thực hiện các mục tiêu quan trọng để giữ đà phát triển kinh tế.
Thứ nhất, phải tập trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Thứ hai, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh.
Thứ ba, các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII sắp tới đây.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh 6 nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 của ngành Công Thương
Thứ tư, lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương. Các cơ chế, chính sách, chương trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành công thương, phải lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.
Thứ năm, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tăng cường phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.
Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng đến phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo VTV