Một cổ phiếu ngân hàng tăng 12% trong tuần qua khi toàn ngành chìm trong biển lửa
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy tích cực trong tuần giao dịch vừa qua khi hầu hết chìm trong sắc đỏ và thanh khoản giảm mạnh.
- 09-03-2022Thời kỳ tiền rẻ qua đi, cổ phiếu ngân hàng sẽ chịu tác động như thế nào?
- 07-03-2022Cổ phiếu ngân hàng Việt chịu tác động như thế nào từ cuộc xung đột Nga – Ukraine?
Chỉ có 4 cổ phiếu ngân hàng giữ được sắc xanh trong tuần này là EIB, KLB, NVB, STB. Trong đó, NVB, STB chỉ nhỉnh hơn so với giá tham chiếu đầu tuần, lần lượt tăng 0,3% và 0,2%.
EIB là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất (12,4%), đóng cửa tuần này ở mức 35.200 đồng/cp, chỉ còn 5% là lập lại được đỉnh 37.250 đồng/cp. Trong tuần trước, EIB lại là cổ phiếu giảm mạnh nhất (-9,7%). Thanh khoản của EIB không có đột biến trong tuần này dù giá cổ phiếu tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là phiên 8/3 có hơn 3 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức thỏa thuận.
KLB là cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo với mức tăng 9,2%. Thanh khoản của KLB chỉ đạt trung bình 86.000 đơn vị/phiên.
Ở chiều ngược lại, 23 cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ tuần qua, trong đó hàng loạt mã giảm xấp xỉ 5% như TPB (-5,2%), ACB (-4,7%), VIB (-4,6%), VPB (-4,5%),..
TPB có thanh khoản đột biến trong phiên 7/3 khi hơn 10 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức khớp lệnh và hơn 10,6 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, dòng tiền vào các cổ phiếu lớn sụt giảm so với tuần trước. VPB chỉ có 71 triệu cổ phiếu được giao dịch trong tuần này, chỉ bằng một nửa so với tuần trước đó. Hay MBB có khối lượng giao dịch đạt 91 triệu đơn vị tuần này, bằng 75% tuần trước.
Về giao dịch khối ngoại, STB tiếp tục được mua ròng hơn 3,3 triệu cổ phiếu trong tuần qua. Đáng chú ý, ngày 8/3, nhóm Dragon Capital đã mua 1,25 triệu cổ phiếu STB và trở thành cổ đông lớn của Sacombank, nắm giữ hơn 95,2 triệu cp, tương đương 5,05% vốn cổ phần. Trước đó, Dragon Capital cũng trở thành cổ đông lớn của MBB ngày 1/3.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài "xả" mạnh HDB, bán ròng hơn 8 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại HDB giảm xuống còn 15,62% trong khi ngân hàng chốt room ở mức 21,5%.