MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một cổ phiếu ngân hàng tăng 35% trong tuần qua, khối ngoại tích cực gom CTG trong khi bán mạnh VPB, HDB

20-11-2021 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Một cổ phiếu ngân hàng tăng 35% trong tuần qua, khối ngoại tích cực gom CTG trong khi bán mạnh VPB, HDB

Trong tuần qua (15-19/11), đa số cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực khi giá đi lên, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng thì 16 mã tăng giá trong tuần qua, trong đó 6 mã tăng từ 8% trở lên.

PGB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với mức tăng 35% trong tuần qua, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần 15% (17-18/11). Theo đó, cổ phiếu này đã thiết lập đỉnh mới ở mức giá 37.700 đồng/cp.

Các cổ phiếu ngân hàng khác tăng trên 8% trong tuần vừa rồi còn có VBB (tăng 11,2%), SGB (tăng 10,1%), BVB (tăng 8,7%), NAB và HDB cùng tăng 8%.

Có thể thấy, những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần vừa qua chủ yếu là những mã đang giao dịch trên UPCoM. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng lớn chủ yếu đi ngang, như CTG chỉ tăng 0,3%, TCB giảm 0,4%, VCB giảm 1,1%,…

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu cũng giảm giá trong tuần rồi nhưng mức điều chỉnh khá nhẹ: SHB và SSB giảm 1,9%, VPB giảm 1,5%, EIB giảm 1,4%,…

Phiên giao dịch "sáng" nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua là 19/11 khi 25/27 mã ngân hàng tăng giá bất chấp toàn thị trường lao dốc.

STB dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua với hơn 72 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư. Các cổ phiếu có thanh khoản cao tiếp theo là TCB (69 triệu cp), LPB (hơn 61 triệu cp), CTG và MSB (hơn 53 triệu cp),…

Về giao dịch khối ngoại, CTG là cổ phiếu ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh trong tuần qua, với khối lượng mua ròng đạt hơn 7,6 triệu cp. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng hơn 9,8 triệu cp VPB, 4,3 triệu cp HDB.

Một cổ phiếu ngân hàng tăng 35% trong tuần qua, khối ngoại tích cực gom CTG trong khi bán mạnh VPB, HDB - Ảnh 1.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022, đây là mức định giá thấp so với mức ROE cao mà các ngân hàng tạo ra (trung bình là 18,5%). Không những vậy, hầu hết các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức định giá trung bình 5 năm trong khi ROE đã cải thiện đáng kể so với mức ROE cao nhất trong 5 năm qua.

Ngành ngân hàng vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao (với ROE trên 18% so với trung bình các ngân hàng trong khu vực là 12%) nhờ ROA cải thiện và được hỗ trợ bởi các quy định về vốn hợp lý.

Theo quan điểm của nhóm phân tích, tác động của Covid-19 đã không làm gián đoạn chu kỳ phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, những lo ngại về rủi ro nợ xấu sẽ hạ nhiệt từ cuối quý I/2022 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và theo đó sẽ thúc đẩy tâm lí thị trường đối với cổ phiếu ngân hàng. Hơn nữa, những kế hoạch bán vốn cổ phần và tăng vốn cũng sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng được đánh giá lại trong thời gian tới.

MBKE kỳ vọng các ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định và ROE cao ở mức 18-25% trong năm 2022. Các ngân hàng có khả năng mở rộng và bảo toàn NIM trước nguy cơ lạm phát, cũng như có dư địa để giảm trích lập dự phòng (nhờ dự phòng rủi ro cho vay cao) sẽ là các mã cổ phiếu vượt trội hơn.

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên