MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một công ty phải bồi thường hơn 90 triệu đồng vì bắt nhân viên tăng ca 500 tiếng, tay không rời điện thoại để tiếp khách

14-04-2023 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Vụ kiện đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

Một công ty phải bồi thường hơn 90 triệu đồng vì bắt nhân viên tăng ca 500 tiếng, tay không rời điện thoại để tiếp khách - Ảnh 1.

Mới đây, một công ty công nghệ tại Trung Quốc phải bồi thường hơn 4.000 USD (hơn 90 triệu đồng) vì bắt nhân viên liên tục nhắn tin với khách hàng và làm thêm sau giờ hành chính.

Đây là vụ kiện của một nữ công nhân tên Li Xiaoyan, lên án công ty cũ vì hành vi trốn tránh trả lương làm thêm giờ. Cô gái này đã phải tốn hơn 500 giờ đồng hồ ngoài giờ hành chính tiếp khách qua ứng dụng WeChat. Bất bình cuối cùng cũng được lắng nghe, sau khi tòa án nghiêng về lợi ích của người lao động và buộc doanh nghiệp trên phải phải bồi thường 4.362 USD.

Sự việc trên một lần nữa trở thành đề tài bàn tán trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày càng nhiều người dám lên tiếng, cho rằng mình đã có trải nghiệm tồi tệ tương tự giống Li Xiaoyan.

“Dù ở công ty hay về nhà, chúng tôi không thể rời tay khỏi WeChat. Đến cuối ngày, thông báo tin nhắn đến vẫn tiếp tục làm phiền chúng tôi”, Zhu Chuang (28 tuổi), một nhân viên tài chính tại Hàng Châu, nói.

Theo số liệu từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến 51Job vào năm 2022, 84,7% người tham gia khảo sát cho biết họ bị nhận các tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ hành chính. 50% được yêu cầu phải tăng ca ít nhất 1 giờ/ngày.

“Khi nói đến vấn đề 'tăng ca vô hình’', lãnh đạo thường tỏ thái độ xem nhẹ hoặc đánh tráo khái niệm. Họ cho rằng cấp dưới khi đó không có mặt tại văn phòng. Tuy nhiên, khi nhân viên dành phần lớn thời gian buổi tối cho các nhiệm vụ không tên, họ cần được công nhận là đã làm việc ngoài giờ”, một người dùng Weibo đồng cảm.

Một công ty phải bồi thường hơn 90 triệu đồng vì bắt nhân viên tăng ca 500 tiếng, tay không rời điện thoại để tiếp khách - Ảnh 2.

Một công ty phải bồi thường hơn 90 triệu đồng vì bắt nhân viên tăng ca 500 tiếng

Dựa trên câu chuyện của Li, các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết trên chỉ xoay quanh vấn đề tại công ty công nghệ cụ thể. Không có gì đảm bảo rằng sự vụ này sẽ giúp tất cả những người lao động nói lên tiếng nói của mình.

Dẫu vậy, Zhu Chuang và một số người lao động khác vẫn lạc quan vào sức ảnh hưởng của vụ kiện.

“Những người dũng cảm như Li đã dẫn đường cho tôi và nhiều người khác. Đây chỉ mới là sự khởi đầu”, anh nói, đồng thời hy vọng các ứng dụng nhắn tin có thể giúp nhân viên tính giờ “tăng ca” và hưởng thêm lương ngoài giờ hành chính.

“Làm thêm giờ vẫn thịnh hành và không bị giám sát, đặc biệt trong số các doanh nghiệp Internet. Chúng tôi hy vọng có thể góp sức tẩy chay 996”, một người bất bình.

Trung Quốc trước nay vẫn nổi tiếng với văn hóa “làm việc đến chết” 9-9-6, ngụ ý thời gian làm việc từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều, 6 ngày mỗi tuần. Công ty thương mại điện tử Pinduoduo từng gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên, được cho là vì làm việc quá sức. Một nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng; một nhân viên khác chết vì tự tử. Nguyên nhân được cho là vì bị công ty bắt ép làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.

Một công ty phải bồi thường hơn 90 triệu đồng vì bắt nhân viên tăng ca 500 tiếng, tay không rời điện thoại để tiếp khách - Ảnh 3.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một trong số những quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc quá sức

Vào năm 2019, một người dùng ẩn danh, tự nhận là nhà phát triển Trung Quốc, phát động cuộc biểu tình trực tuyến trên GitHub, cho rằng bất kỳ ai làm theo 996 sẽ kết thúc cuộc đời trong phòng chăm sóc đặc biệt. Động thái thu hút sự chú ý rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội xứ Trung và khiến một số trình duyệt web phải hạn chế truy cập GitHub.

“Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu làm việc theo kiểu 9-9-6 đó. Nó là thứ chiếm quỹ thời gian 24/7 của tôi suốt 3 năm trời”, một người cho biết.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một trong số những quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc quá sức, hy sinh cả quyền lợi cá nhân. Tháng 5/2021, một nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra rằng có 745.000 người Nhật đã chết trong năm 2016 vì đột quỵ và bệnh tim sau khi làm việc trên 55 giờ/tuần. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000.

Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, làm việc quá sức được coi là nguyên nhân gây ra các ca tử vong, nhiều tới mức nó được khái niệm hóa với tên gọi “karoshi”. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, gần 3.000 doanh nghiệp đã phá vỡ giới hạn làm thêm 80 giờ/tháng. Thậm chí, ít nhất 93 công ty có nhân viên làm thêm 200 giờ/tháng.

Theo: Sixthtone, Nippon

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên