MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một CTCK có cổ phiếu tăng trưởng hơn 260% từ đầu năm bị chủ nợ ra "tối hậu thư" yêu cầu phá sản

Một CTCK có cổ phiếu tăng trưởng hơn 260% từ đầu năm bị chủ nợ ra "tối hậu thư" yêu cầu phá sản

VISC hiện đang có khoản nợ cả gốc và lãi hơn 13 tỷ đồng và bị yêu cầu phá sản nếu không thanh toán.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, MCK: VIG) đã thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 21/6.

Kết quả kinh doanh từ năm 2019 đến nay của VISC không mấy khả quan, chỉ có một quý báo lãi, tình trạng kinh doanh dưới giá vốn liên tục diễn ra.

Bước sang năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tương đương mức tăng 54% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở mức 700 triệu đồng, trong khi năm 2020 VISC ghi nhận mức lỗ hơn 3,4 tỷ đồng.

Doanh thu mảng hoạt động môi giới được lên kế hoạch đạt 5,2 tỷ đồng, với hoạt động tư vấn là 4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 65% và 60% so với thực hiện năm 2020.

Cụ thể chiến lược phát triển trong năm 2021, VISC đề ra một số giải pháp như tăng tỷ trọng thị phần môi giới; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đàm phán với các ngân hàng và tổ chức tài chính để đảm bảo nguồn vốn hoạt động; đồng thời nâng cao trình độ người lao động.

Một CTCK có cổ phiếu tăng trưởng hơn 260% từ đầu năm bị chủ nợ ra tối hậu thư yêu cầu phá sản - Ảnh 1.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ban Kiểm soát, VISC đang có một khoản nợ có nguy cơ gây phá sản. Cụ thể, công ty có số tổng nợ gốc hơn 13 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico), trong đó có số gốc gần 5,9 tỷ đồng cùng khoản lãi 7,4 tỷ.

Theo diễn biến, ngày 07/05/2021, Handico đã có công văn yêu cầu VIG thanh toán toàn bộ số nợ; nếu công ty không thể thực hiện trả nợ thì Handico sẽ yêu cầu thủ tục phá sản đối với VISC.

Trong quý 1/2021, doanh thu hoạt động của VISC ghi nhận gần 2 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 20% kế hoạch năm. Mặc dù chi phí hoạt động đã giảm 61% nhưng VISC vẫn lỗ hơn 447 triệu đồng sau thuế.

Theo đó, cổ phiếu VISC đã bị hạn chế giao dịch từ ngày 26/4 với lý do đã lỗ sau thuế liên tiếp hai năm 2019 và 2020. Tuy nhiên đến 12/5, cổ phiếu công ty đã được dỡ bỏ hạn chế khi đã giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Về diễn biến trên TTCK, trái ngược với tình cảnh kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu VIG của công ty từ tháng 12/2020 đã bất ngờ có đà tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Tính đến cuối phiên 01/06, giá cổ phiếu VIG vẫn ở mức 6,400 đồng/cp, tăng kịch trần phiên thứ 2, tăng 268% so với đầu năm 2021.

Một CTCK có cổ phiếu tăng trưởng hơn 260% từ đầu năm bị chủ nợ ra tối hậu thư yêu cầu phá sản - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu VIG từ 1/12/2020


Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên