Một Giám đốc bị “khủng bố”, bêu riếu lên facebook dù không vay nợ
Dù không vay mượn, bảo lãnh cho ai vay nợ, nhưng một Giám đốc ở Hải Phòng bỗng dưng bị “khủng bố” bằng điện thoại để đòi nợ, bị đăng hình lên facebook để bêu riếu.
Thời gian gần đây, Công an TP. Hải Phòng liên tục nhận được phản ánh của nhiều người về việc họ liên tục bị “khủng bố” bằng điện thoại nhằm đòi nợ dù họ không nợ nần hay đứng ra bảo lãnh cho tổ chức cá nhân nào.
Đơn cử là trường hợp chị P.H.T., Giám đốc trung tâm Ngoại ngữ Gia Bảo, tại phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng. Vào khoảng tháng 3/2021, chị liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại khác nhau yêu cầu phải có trách nhiệm với khoản vay của anh Đ.T.H.
Không chỉ dọa dẫm, lăng mạ vì chị không tác động để anh Đ.T.H. trả nợ, các đối tượng lạ mặt còn đưa ảnh đại diện của chị đăng tải lên mạng xã hội bêu riếu nói xấu khiến cuộc sống và công việc của chị bị ảnh hưởng rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, chúng còn đăng ảnh nạn nhân lên facebook của bạn bè, đồng nghiệp.
Chị P.H.T. cho biết, từ năm 2019, anh Đ.T.H. là phụ huynh của 1 học sinh từng học tại trung tâm ngoại ngữ của chị. Tuy nhiên, đến ngày 11/5/2020, em học sinh đó đã không còn học ở đây, chị H.T. cũng không còn liên lạc với học sinh và phụ huynh nói trên và càng không hề hay biết chuyện vay nợ của anh Đ.T.H.
“Tôi vô cùng mệt mỏi và lo lắng, hoang mang trước những hành vi đe dọa, xâm hại đến tinh thần bản thân và những người trong gia đình của những đối tượng trên.”, chị P.H.T. cho biết.
Nhiều người bị "khủng bố" , bêu riếu hình ảnh cá nhân lên facebook dù không nợ tiền tổ chức, cá nhân nào (ảnh minh họa).
Không riêng gì chị P.H.T., thời gian qua có nhiều người dân bỗng dưng nhận được những cục nợ từ trên trời rơi xuống qua điện thoại. Những cuộc gọi đó thường là từ các công ty tài chính, công ty quản lý các app cho vay.
Hầu hết các khổ chủ đều quen biết hoặc là người nhà của người vay nợ song hoàn toàn mù tịt về các món nợ mà bạn bè, người thân của mình vay. Nên khi được gọi điện yêu cầu phải tác động hoặc trả nợ thay, tất cả đều vô cùng hoảng hốt, ngỡ ngàng.
Theo tìm hiểu, khi người nào đó vay tiền của các tổ chức tài chính hoặc qua app tài chính thì đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin và số điện thoại của một người thân nào đó để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn tới việc nhiều người không hề vay, nhưng bỗng dưng… mắc nợ.
Giới đi đòi nợ thuê gọi đó là đòi nợ bạn của con nợ. Và để đạt được mục đích thu hồi tiền thì những kẻ đòi nợ không từ bất cứ thủ đoạn nào để ép con nợ và những người chúng biết phải trả nợ.
Theo cơ quan công an, thực trạng vay nợ dưới hình thức tín dụng đen hoặc vay qua các công ty tài chính, app tài chính đang diễn biến hết sức phức tạp và tạo nên nhiều hệ lụy trong xã hội. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng này cũng không hề đơn giản.
Người dân không may bị các đối tượng đòi nợ vô cớ gọi điện, nhắn tin uy hiếp hoặc có những hành động xúc phạm trên mạng xã hội cần trình báo sự việc cho cơ quan công an.
Đối với các số điện thoại chuyên quấy phá, người dân cũng có thể báo trực tiếp với sở Thông tin và Truyền thông TP.Hải Phòng để từ đó có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan điều tra làm rõ và xử lý.
Người đưa tin