Một hãng xe có doanh số xe điện tăng gấp 3 lần, tuyên bố không cần giảm giá như Tesla để thu hút khách hàng
Hãng xe này cho biết họ không cần tham gia cùng Tesla và Ford trong việc giảm giá các mẫu xe điện của mình mặc dù giá nguyên liệu thô cao hơn sau khi doanh số bán hàng tăng gấp 3 lần vào năm 2022.
- 03-02-2023Đây có phải mối nguy cho VinFast tại Mỹ: Tân binh “khủng long” đến từ Trung Quốc, ra mắt xe điện phạm vi hoạt động lên tới 1.000 km, sẽ IPO trong quý 2/2023
- 31-01-2023Việt Nam có gà ăn chuối nhưng đây mới là thực đơn nuôi gà “độc lạ” nhất thế giới: tiết kiệm hàng trăm triệu USD, tránh được khủng hoảng thức ăn chăn nuôi
- 30-01-2023Không phải sedan, đây mới là dòng xe được người Việt chọn mua nhiều nhất
Ảnh minh họa
Nếu như trong năm 2021, doanh số xe điện của Volvo chỉ đạt 4% trong tổng số xe bán được thì 2022 được xem là năm bứt phá của hãng khi doanh số tăng lên 11% trong cả năm và tăng tới 20% tính riêng trong tháng 12/2022.
Thương hiệu này đã đặt mục tiêu một nửa doanh số bán hàng của mình là xe chạy hoàn toàn bằng pin vào giữa thập kỉ này và chỉ bán xe điện vào năm 2030 – một trong những mục tiêu tham vọng nhất của bất kỳ nhà sản xuất ô tô lớn nào.
Tesla và Ford đều đã giảm giá các mẫu xe điện của họ. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Volvo Cars - ông Jim Rowan cho biết công ty đã thực hiện tăng giá vào năm 2022 sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá lithium – nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện lên mức cao kỉ lục. Tuy nhiên công ty không tăng giá đối với những khách hàng đã đặt hàng trước thời điểm đó - đồng nghĩa với công ty cuối cùng đã phải chịu khoảng 1/3 tổng chi phí tăng trong năm.
Ảnh: FT
Rowan cho biết ông hy vọng giá lithium sẽ giảm trong năm nay và Volvo có thể giảm giá để đáp ứng. Ông nói: “Việc giá lithium giảm đáng kể sẽ tạo ra cho chúng tôi cơ hội đưa ra quyết định đó. Nhưng chúng tôi thấy không cần thiết phải giảm giá vì số lượng đơn đặt hàng xe điện của Volvo Cars vẫn ở mức cao".
Sự kết hợp giữa giá nguyên liệu thô tăng, khan hiếm chip, cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do lệnh phong tỏa kéo dài do Covid-19 ở Trung Quốc đã cắt giảm lợi nhuận của Volvo vào năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của công ty (không bao gồm hoạt động kinh doanh liên doanh với Geely của Trung Quốc) đã giảm 15,7% xuống còn 1,7 tỷ USD vào năm ngoái, mang lại cho công ty tỷ suất lợi nhuận hoạt động là 5,4%. Doanh thu tăng hơn 17% với hơn 31 tỷ USD.
Volvo đang đặt mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận lên 8 - 10% vào giữa thập kỷ này, cũng như tăng doanh số bán hàng lên khoảng 100.000 chiếc mỗi tháng, tương đương 1,2 triệu chiếc mỗi năm.
Rowan cho biết cả hai mục tiêu doanh số và lợi nhuận vẫn có thể đạt được với lý do công ty có kế hoạch tung ra một loạt các mẫu xe điện mới, gia nhập thị trường xe thể thao đa dụng cỡ nhỏ cũng như dự kiến giá lithium sẽ giảm.
Bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những lo ngại về suy thoái kinh tế ở một số thị trường, hoạt động kinh doanh của hãng vẫn rất tốt và số lượng đơn hàng bị hủy chỉ chiếm rất ít, cũng như không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu đang chậm lại cho đến nay.
Ông Rowan cho biết thêm: “Nhu cầu sở hữu một chiếc ô tô mới của người dùng đã bị dồn nén và thị trường xe cũ cũng đang rất nhộn nhịp vào thời điểm này.”
Theo Bloomberg, FT
Nhịp sống thị trường