Một năm thực hiện Nghị quyết 42: Thay đổi nhận thức về xử lý nợ xấu
Thông qua Nghị quyết 42 đã dần hình thành một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường.
- 20-08-20187 tháng đầu năm, Agribank xử lý được hơn 5.100 tỷ đồng nợ xấu
- 17-08-2018Nợ xấu trên 6%, điều gì đang xảy ra với Saigonbank?
- 07-08-2018Một năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu
-
Trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế
-
Hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu
Được đánh giá là bước cải tổ quan trọng về pháp lý, tròn 1 năm kể từ khi đi vào cuộc sống, Nghị quyết 42 (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã phát huy “quyền uy” của mình ra sao, hỗ trợ các TCTD xử lý được bao nhiêu nợ xấu. Để nắm được những con số biết nói đó, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn với Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên cũng là một trong những người đã có đóng góp quan trọng để NQ42 sớm đi vào cuộc sống.
Là một trong những người có đóng góp tích cực từ khi NQ42 còn đang trong giai đoạn “thai nghén”, chắc hẳn ông đã theo dõi rất sát quá trình triển khai của Nghị quyết đặc biệt này. Vậy, ông có thể cho biết trong hơn 1 năm qua, NQ42 đã đi vào cuộc sống như thế nào?
Đến thời điểm này về cơ bản đã hoàn chỉnh hành lang pháp lý để cho các đơn vị thực hiện NQ42. Trong đó, có thể kể đến hướng dẫn của NHNN về mặt pháp lý, thông tư của hội đồng thẩm phán về xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), cơ chế Toà án xử lý theo trình tự rút gọn… Như vậy, về mặt pháp lý để NQ42 có thể vận hành thông suốt cũng đã tương đối hoàn thiện.
Cũng bởi vậy, mới chỉ có 1 năm sau khi NQ42 có hiệu lực, chúng ta đã xử lý được khối lượng nợ xấu tương đối lớn. Đến thời điểm 30/4/2018, hệ thống ngân hàng đã xử lý 112 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xác định theo NQ42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 59 nghìn tỷ đồng, ngoại bảng là khoảng 14 nghìn tỷ đồng và xử lý qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) khoảng 39 nghìn tỷ đồng… Mà theo thống kê ban đầu khi ban hành NQ42 bao gồm nợ xấu nội, ngoại bảng, nợ bán VAMC, lúc đó có khoảng 565 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, chỉ trong vòng 10 tháng xử lý được 112 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số nợ xấu, theo NQ42 cho thấy dự báo ban đầu NQ42 này có giá trị trong vòng 5 năm là rất hợp lý. Nếu dựa trên số liệu có được thì thấy rằng về cơ bản giải quyết nợ xấu theo NQ42 đã tương đối tốt.
Với kết quả như thế này đã đạt được như mong đợi chưa, thưa ông?
Theo đánh giá cá nhân tôi, đến thời điểm này kết quả thu được là tương đối tốt. Ở đây thấy rằng, không chỉ nhìn về con số, mua bán nợ sau NQ42 có bước tiến về chất. Các tổ chức và cá nhân đang có nợ tại các TCTD đều có nhìn nhận tương đối khách quan về trách nhiệm của mình phối hợp với người cho vay để xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu.
Chúng ta cũng thấy thông qua NQ42 cũng đã dần hình thành một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các TCTD hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường. Ngoài mua bán nợ, hoạt động thu nợ của các TCTD đặc biệt là VAMC kể từ sau khi có NQ42 có bước tiến đáng kể. Có những TSBĐ từ trước đến nay không bao giờ nghĩ là thu được, nhưng đến thời điểm này đã thu được rất tốt. Đấy cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những người còn chây ỳ, dựa dẫm vào quan niệm Nhà nước chịu trách nhiệm an ninh tiền tệ thì Nhà nước phải đứng ra bảo lãnh vô điều kiện cho các khoản nợ xấu của DN đã không thành hiện thực.
Tôi cho rằng, có hai điểm nhấn lớn nhất đã đạt được sau 1 năm triển khai NQ42. Thứ nhất là thay đổi nhận thức để chúng ta có thể điều hành lại nền kinh tế từng bước tiếp cận với nguyên tắc kinh tế thị trường. Thứ hai, những vấn đề dự báo tác động tích cực, tiêu cực của NQ42 đối với nền kinh tế, TCTD tương đối sát. Điều có ý nghĩa đặc biệt nữa của NQ42 khẳng định những “ưu ái” không chỉ đối với NHTM Nhà nước mà bao gồm cả các ngân hàng từ thành phần kinh tế khác nhau thể hiện bình đẳng quan tâm tới tất cả loại hình sở hữu chứ không phân biệt đến Nhà nước và tư nhân. Với những gì đang diễn ra tôi tin rằng NQ42 sẽ tiếp tục phát huy được hiệu lực trong cuộc sống.
NQ42 đã khẳng định và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cho vay |
Trong thực tế triển khai, các ngân hàng cũng có ý kiến cho rằng còn một số khâu từ phía bộ, ngành thực hiện còn chậm, chưa quyết liệt như việc hướng dẫn trình tự thủ tục rút gọn của Tòa án, hay vấn đề liên quan đến thuế… phần nào ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đối với hướng dẫn của Tòa, về bản chất nó là án lệ nên phải có trường hợp cụ thể thì tòa mới hướng dẫn được, chứ cứ nói chung chung phải xử rút gọn nhất là đối với các Toà án địa phương rất khó thực hiện. Đây chỉ là nghị quyết chứ không phải luật nên khi hướng dẫn phải có thực tế xảy ra khi đó mới phân tích, đưa ra biện pháp xử lý. Chẳng hạn như ở tại tình huống thế chấp bằng cà phê trong kho sẽ khác với TSBĐ là BĐS. Mà xử TSBĐ là cà phê chắc chắn sẽ chậm hơn vì đó không phải là trường hợp phổ biến.
Còn đối với thuế cũng vậy, chúng tôi cũng đã lường đến vấn đề này khi xây dựng NQ42. Vấn đề ở đây liên quan đến quyền lợi 3 bên: Một bên là Nhà nước thông qua thu thuế, một bên là TCTD cũng là DN và một bên là người có tài sản thế chấp. Vì vậy, chúng ta cần ngồi lại bàn bạc với nhau để có biện pháp xử lý thế nào đảm bảo hài hoà nhất cho các bên.
Tôi cũng phải khẳng định lại các TCTD được Nhà nước, Chính phủ có ưu tiên, nhưng không ưu tiên mù quáng mà cũng phải gắn trách nhiệm vào đó. Tức là phải nhìn thấy điểm yếu tồn tại để khắc phục chứ không thể hy vọng NQ42 là phép màu để cứu tất cả những sai sót cả cố tình và vô ý của TCTD được. Mục tiêu của NQ42 không phải là như vậy. Mà NQ42 là công cụ pháp lý hỗ trợ cho xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người cho vay. Khi nói đến quyền lợi hợp pháp, thì các ngân hàng phải xác định rõ, cái nào bản thân mình làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm chứ không thể bắt nền kinh tế chịu thay được.
Vậy, theo ông giải pháp nào để xử lý nợ xấu có thể triển khai nhanh hơn trong thời gian tới?
Trước hết, phải tổ chức thực hiện đúng tinh thần NQ42 đối với tất cả các lĩnh vực mà ngân hàng có TSBĐ chứ không riêng BĐS.
Hai là, phải tiến hành phân loại nợ xấu để áp dụng thông tư mới của Hội đồng thẩm phán của Toà án Nhân dân tối cao để từ nay đến hết tết âm lịch năm sau có thể đưa một loạt dự án, các khoản nợ xấu nếu không hiệp thương được thì đưa ra xử theo trình tự rút gọn.
Ba là, các TCTD phải đưa ra nhiều phương án, kịch bản để xử lý nợ xấu cho phù hợp. Đơn cử, kịch bản một là người vay hợp tác. Kịch bản hai là họ hợp tác nửa vời hay nói cách khác là có hợp tác để xử lý nhưng đưa ra yêu cầu với TCTD hai bên phải tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển chứ không chỉ nghiêng hết về phía ngân hàng mà không để cho DN được hưởng chút nào. Tôi thấy rằng, với kịch bản này, trong bối cảnh khó khăn chung của cả trong nước và quốc tế nếu không có cái nhìn chia sẻ rủi ro cho nhau thì rất khó làm việc. Kịch bản thứ ba là đưa nhau ra toà. Trong trường hợp này, tài sản thu lại được từ TSBĐ phải thực hiện theo luật, và quyền lợi DN ở đây phải dưới quyền lợi của Nhà nước.
NHNN sẽ phải chỉ đạo cũng như tự bản thân các TCTD phải chủ động làm rất kỹ với từng khoản nợ, từng khế ước; với từng trường hợp mình phải chọn một trong 3 phương án nào để xử lý chứ bây giờ không thể làm đại trà được vì hiệu quả sẽ không cao như mong đợi.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng