MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Moody's: Một phần tư nền kinh tế "ngủ đông", GDP Mỹ giảm 29% so với tuần đầu tháng 3

07-04-2020 - 17:37 PM | Tài chính quốc tế

Một phân tích mới đây của tạp chí Wall Street Journal chỉ ra rằng Ít nhất 25% nền kinh tế Mỹ đã đột ngột rơi vào trạng thái đóng cửa do đại dịch do virus corona chủng mới gây ra. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Các dữ liệu từ Moody’s Analytics là tài liệu đem đến một trong những cái nhìn đầy đủ nhất về mức độ đóng cửa của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 3 tuần qua. Moody’s cũng phân tích các vùng khác nhau - từ đại đô thị như Manhattan đến hạt nhỏ bé Gilpin County, Colo.— để ước tính mức độ ảnh hưởng của các vùng khác nhau lên bức tranh chung.

Điểm đặc biệt là mặc dù chỉ 80% số hạt ở Mỹ bị phong tỏa, theo Moody’s thì các vùng này đóng góp gần 96% GDP cả nước.

41 bang đã yêu cầu ít nhất là một số ngành kinh doanh phải đóng cửa để giảm thiểu sự lây lan của virus corona. Nhà hàng, trường đại học, phòng tập gym, rạp chiếu phim, công viên, phòng triển lãm và hàng triệu cơ sở kinh doanh được coi là không thiết yếu đã phải đóng cửa. Kết quả là sản lượng theo ngày của nền kinh tế giảm gần 29% so với tuần đầu của tháng 3.

Tuy nhiên Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, không cho rằng mức giảm 29% sẽ không kéo dài quá 2 tháng. Nếu điều đó xảy ra, GDP Mỹ sẽ sụt giảm tới 75% trong quý II. Ông tin rằng nhiều hạt sẽ mở cửa trở lại trước mùa hè và dự đoán GDP Mỹ chỉ giảm 30% trong quý II.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán GDP sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa hè hoặc mùa thu, vì các bang mở cửa trở lại và số ca nhiễm giảm. Tuy nhiên những ảnh hưởng của dịch bệnh lên năng suất thì chắc chắn vẫn còn kéo dài.

Trong thời kỳ Đại suy thoái từ 1929 đến 1933, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP hàng năm đã giảm tới 26%. Còn trong cuộc suy thoái gần nhất từ cuối 2007 đến giữa 2009, GDP quý chỉ giảm gần 4%.

Nếu chỉ tính toán đến phần sản lượng bị mất đi bởi những cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sẽ là chưa đủ. Cần phải tính đến cả phần sản lượng mất đi do lực cầu giảm mạnh vì tỷ lệ thất nghiệp tăng và những mất mát trong chi tiêu của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không giống với những cuộc khủng hoảng mà chúng ta từng trải qua. Ví dụ, kinh tế Mỹ suy thoái trong giai đoạn 2007-09 phần nhiều là do nợ tăng quá nhanh và cú sụp đổ của thị trường nhà ở, do đó là 1 cuộc suy thoái bắt nguồn từ cú sốc cầu, khi tài sản của các hộ gia đình tiêu tan dẫn đến chi tiêu ít hơn, cuối cùng dẫn đến phía cung là các doanh nghiệp.

Lần này, xảy ra điều ngược lại. Cú sốc cung diễn ra trước, sau đó mới đến cú sốc cầu.

Phép so sánh tốt nhất những gì nền kinh tế đang trải qua là giống như 1 vụ động đất cực lớn hoặc vụ khủng bố 11/9 năm 2001, khi các hãng hàng không đột ngột dừng bay. Trong những ngày sau đó, sản lượng kinh tế Mỹ đã mất khoảng 111 tỷ USD tính theo thời giá hiện tại. Nhưng trong 3 tuần qua sản lượng kinh tế Mỹ đã giảm gần 350 tỷ USD.

"Giống như toàn bộ bang Indiana biến mất trong vòng 1 năm", chuyên gia Zandi của Mooy’s nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng không đồng đều từ các vùng đô thị lớn như thế nào. Chỉ có 3 hạt "chịu trách nhiệm" nhiều nhất: Los Angeles, Manhattan và hạt Cook (bang Chicago), với mức giảm sản lượng lần lượt là 35%, 25% và 30%. Tổng cộng 3 hạt này khiến GDP Mỹ giảm 10%. Những hạt nhỏ hơn, ví dụ như Gilpin, địa điểm du lịch nổi tiếng với dân số 6.200 người, có mức giảm lớn nhất là 70% nhưng chỉ chuyển hóa thành 0,01% trong GDP cả nước.

Một số nơi không bị ảnh hưởng do các lãnh đạo bang chống lại lệnh đóng cửa. Trong nghiên cứu này, các chuyên gia của Moody’s giả định toàn bang Iowa không đóng cửa.

Một nghiên cứu khác của think tank Economic Innovation Group cho thấy ở vùng 3 bang New York, New Jersey và Connecticut, kinh tế suy giảm chủ yếu là bởi 2 ngành bất động sản và bán lẻ. Trong một số ngành, ví dụ như các nhà hàng và quán bar cùng như ngành nghệ thuật và giải trí, sản lượng giảm 1/3. Theo Kenan Fikri, chuyên gia của think tank này, nước Mỹ chưa từng trải qua điều tương tự. Kể cả trong thời chiến thì các nguồn lực sẽ được tái phân bổ ở đâu đó, còn giờ thì toàn bộ nền kinh tế bị co hẹp.

Bằng chứng rõ ràng nhất về vòng tròn luẩn quẩn giữa cú sốc cung và cú sốc cầu mà kinh tế Mỹ đang phải chịu chính là làn sóng sa thải. Gần 10 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong 2 tuần kết thúc vào ngày 28/3, kỷ lục từ trước đến nay. Những lao động này sẽ ngay lập tức cắt giảm chi tiêu, làm những cơ sở kinh doanh vẫn đang mở cửa thiệt hại nặng hơn.

Nước Mỹ đã mất 701.000 việc làm trong tháng 3, nhiều nhất kể từ đầu năm 2009. Hầu hết việc làm là trong lĩnh vực nhà hàng quán bar, khách sạn, xây dựng, y tế, bán lẻ và cả các cơ quan nhà nước.

Moodys: Một phần tư nền kinh tế ngủ đông, GDP Mỹ giảm 29% so với tuần đầu tháng 3 - Ảnh 2.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên