MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia khác chuẩn bị tiếp bước Venezuela

20-06-2016 - 20:13 PM | Tài chính quốc tế

Hãng Renaissance Capital cho rằng các nhà đầu tư đang lo sợ Nigeria sẽ lâm vào vết xe đổ của Venezuela khi nền kinh tế thực sự rơi vào khủng hoảng.

Mới đây, chính phủ Nigeria đã có một động thái bất ngờ khi yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành ngân hàng nước này ngừng sa thải nhân viên, đồng thời tuyên bố rút giấy phép kinh doanh nếu ngân hàng nào vi phạm lệnh cấm trên.

Động thái trên của Nigeria không phải là cá biệt khi đầu tuần trước, nước này định đưa 500.000 lao động thất nghiệp vào các trường học làm giáo viên. Trong khi đó, chính quyền Abuja còn định tuyển 10.000 cảnh sát vào đầu năm nay, nhưng lượng hồ sơ nộp ứng tuyển lên tới gần 1 triệu người.

Những quyết định trên của Nigeria được đưa ra trong bối cảnh ngành ngân hàng nước này đang sa thải hàng loạt nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước thì đang tăng chóng mặt.

Bất chấp lời thanh minh của chính phủ về việc “cải thiện hiệu suất ngành ngân hàng” hay “cải tổ thị trường”, nhiều chuyên gia nhận định đây là những nỗ lực trong tuyệt vọng của chính quyền Abuja trước tình hình kinh tế suy thoái của đất nước.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đang phải vật lộn để quốc gia mình không sa lầy như Venezuela.

Sự suy tàn của một điểm sáng kinh tế

Nigeria trước đây nổi tiếng là một điểm sáng kinh tế tại Châu Phi khi dẫn đầu về sản lượng dầu mỏ trong khu vực. Giá dầu ở mức cao đã khiến quốc gia với hơn 90% nguồn thu ngoại tệ phụ thuộc vào dầu khí tăng trưởng ấn tượng.

Thậm chí vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng không quật ngã được quốc gia này khi nền kinh tế có sự hồi phục trong những năm sau đó nhờ tài nguyên dầu mỏ.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ và khủng hoảng thừa dầu trên thế giới hiện đang khiến Nigeria hầu như bất lực trước một nền kinh tế chìm dần vào suy thoái. Hơn nữa, việc Cựu Tổng thống Goodluck Jonathan và chính quyền của ông lãng phí tài nguyên vào các công trình đầu tư không cần thiết cũng như để tệ nạn tham nhũng tràn lan đã hầu như ăn mòn nền kinh tế đất nước.

Mặc dù ông Jonathan đã bị cử tri quay lưng trong cuộc bỏ phiếu bầu cử sau đó, nhiều chuyên gia nhận định cách xử lý khủng hoảng không hợp lý của Tổng thống đương nhiệm Muhammadu Buhari đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trong 10 năm tính đến năm 2014, kinh tế Nigeria tăng trưởng bình quân 7%, nhưng GDP của nước này lại giảm 0,36% trong quý I/2016 và hầu hết các chuyên gia đều dự đoán nền kinh tế quốc gia này đang chìm dần vào suy thoái.

Trước nguy có xói mòn nguồn thu ngoại tệ từ dầu mỏ, chính quyền Abuja đã quyết định giới hạn nhập khẩu và kiểm soát thị trường tiền tệ. Động thái này đã cắt giảm nguồn cung của nhiều ngành sản xuất, qua đó gây nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa và tỷ lệ lạm phát phi mã.

Khoảng 10 triệu người lao động trong các ngành phi chính thức tại Nigeria đang phải chịu mức lạm phát phi mã 14% do thiếu hụt lương thực cũng như tỷ giá tăng chóng mặt trên thị trường chợ đen. Trong khi đó, số liệu của chính phủ cho thấy hơn 500.000 người lao động đã mất việc làm tại Nigeria tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, qua đó làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế, xã hội của nước này.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nigeria đã tăng gấp đôi chỉ trong 18 tháng.
Tỷ lệ thất nghiệp của Nigeria đã tăng gấp đôi chỉ trong 18 tháng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh 75% xuống còn 711 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, hàng loạt các dự án mới tại quốc gia này bị đình trệ vì thiếu vốn giải ngân.

Rõ ràng, không có một công ty tài chính nào điên rồ tới mức bỏ tiền vào thị trường mà độ rủi ro quá cao như Nigeria.

Trong vài tuần gần đây, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ khi lực lượng quân sự ly khai đã tấn công các đường ống dầu của Nigeria khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm xuống 1,45 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, ước tính tương đương mức thâm hụt 2,2 triệu USD đối với ngân sách. Thậm chí, sự suy giảm sản lượng này còn khiến Nigeria mất ngôi vương về sản lượng dầu mỏ tại Châu Phi về tay Angola.

Hiện dầu mỏ chiếm hơn 2/3 nguồn thu ngân sách của Nigeria. Vì vậy, giá dầu giảm đã khiến chi tiêu công của nước này chỉ còn khoảng 1,25 tỷ USD/tháng, thấp hơn 4 lần so với mức chi 5 tỷ USD/tháng khi giá dầu ở mức đỉnh vào giữa năm 2014.

Thậm chí ở nhiều khu vực, chính quyền địa phương không đủ ngân sách thanh toán lương cho nhân viên còn nguồn điện cơ sở hiện chỉ được cung cấp với mức thấp kỷ lục trong niều năm nhằm tiết kiệm chi phí.

Hãng Renaissance Capital cho rằng các nhà đầu tư đang lo sợ Nigeria sẽ lâm vào vết xe đổ của Venezuela khi nền kinh tế thực sự rơi vào khủng hoảng.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Nigeria đã tăng gấp đôi lên 3,7% GDP trong năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của nước này cũng tăng chóng mặt 78% so với cùng kỳ năm trước lên mức 649,63 tỷ Naira trong năm 2015.

Phá giá đồng tiền

Sau nhiều tháng tranh cãi, cuối cùng Nigeria cũng đồng ý phá giá đồng Naira thay vì neo một mức tỷ giá cố định như trước. Chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 20/6/2016 và hầu như đồng Naira sẽ giảm giá mạnh.

Trước đây, tỷ giá chính thức của Nigeria là 199 Naira/USD nhưng tỷ giá chợ đen lại là 350 Naira/USD.

Quyết định trên của chính quyền Abuja là đầy khó khăn khi Tổng thống Buhari cho rằng việc hạ giá đồng nội tệ chả khác nào “giết chết” đồng Naira.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn xăng dầu và lương thực thời gian vài tháng qua cũng như tình trạng lạm phát tăng phi mã và nhà đầu tư rút vốn khỏi đất nước đã buộc chính quyền Abuja phải thay đổi chính sách.

Hiện chưa rõ chính phủ Nigeria sẽ làm gì tiếp theo để đối phó với cơn khủng hoảng kinh tế này nhưng chắc chắn nếu chính quyền Abuja không có biện pháp hữu hiệu, họ sẽ lại rơi vào vũng lầy như Venezuela đã gặp phải.

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ/ Cafebiz

Trở lên trên