Một sàn TMĐT lớn bị loạt đối tác tố "chơi không đẹp": Cạnh tranh không lành mạnh với những mặt hàng mà sàn này cũng kinh doanh, áp phạt vô lý, shipper không lấy hàng đúng hẹn...
Theo những đối tác lâu năm của sàn điện tử này, đang có những dấu hiệu cho thấy họ đang ‘chơi’ không đẹp với các đối tác của mình – nhất là ở những mặt hàng mà sàn cũng kinh doanh. Và dường như, phần công nghệ của ‘ông lớn’ này vẫn chưa phát triển kịp với sự phát triển của đối tác và khách hàng, kéo theo rất nhiều bất cập cho đối tác, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
- 05-12-2020Tại sao các thương hiệu, nhà bán hàng đổ xô lên sàn TMĐT?
- 05-10-2020Sàn TMĐT Bigbuy24h trước khi “dính phốt”: Tuyên bố liên kết với Vinfast để mua ô tô hoàn tiền, tặng ĐT bóng đá Việt Nam hàng trăm triệu đồng
- 02-10-2020Chân dung ông chủ sàn TMĐT bị tố chiếm dụng cả tỷ đồng: Lên show ‘CEO - Chìa khóa thành công’ kể giấc mơ làm tỷ phú USD, được ông Trump gửi thư chúc mừng nhưng DN liên tục ‘dính phốt’
Đối tác bán sách: Họ cạnh tranh không lành mạnh ở ngành hàng sách với chúng tôi
Theo nhiều chia sẻ của các đối tác bán hàng trên sàn TMĐT này, sàn đang chơi không đẹp và có dấu hiệu quá tải hệ thống, nhất là vào những thời điểm cao điểm như dịp lễ hoặc Tết.
Anh T.L là một đối tác bán sách trên sàn này được một vài năm. Theo anh T.L, dường như sàn TMĐT này có ý định độc quyền bán hàng online mảng sách, biểu hiệu cụ thể là sàn không quan tâm đến lời lỗ và sẵn sàng chơi ‘sát ván’ với các đối tác, nhất là với những tựa sách mà họ cũng bán.
"Theo quan sát của tôi, trong ngành sách, họ đang có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh với các đối tác của mình. Là doanh nghiệp lớn mà họ ‘chơi’ không đẹp khi dùng công nghệ và kỹ thuật, để luôn set-up giá bán thấp hơn các đối tác của mình 1.000 đồng hoặc thậm chí là 100 đồng và sau đó ưu tiên hiển thị sản phẩm của họ. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng giảm giá các sản phẩm sách tới 50% đến 70%, nếu họ thấy điều đó là cần thiết.
Khi chúng tôi hỏi, vì sao sản phẩm của họ luôn được ưu tiên hiển thị trước, thì họ trả lời ‘bởi mức giá của chúng tôi thấp hơn’. Ví dụ: hôm nay, tôi bán sản phẩm A giá 5.000 đồng, giá của họ sẽ là 4.900 đồng, ngày mai tôi có hạ xuống 4.800 đồng, họ lập tức xuống 4.700 đồng.
Hơn nữa, khi khách hàng click vào sản phẩm A của chúng tôi, rất nhiều trường hợp nó sẽ nhảy về sản phẩm A của sàn đó. Phải khi chúng tôi canh cẩn thận và ý kiến với sàn, thì mỗi tháng họ mới ‘nhả cho chúng tôi’ khoảng vài phần trăm đơn hàng của họ. Trường hợp nhảy đơn về phía họ như vậy thường xảy ra giai đoạn đầu, khi các shop chưa có kinh nghiệm. Sau này các shop cảnh giác và phản đối thường xuyên, tình hình sẽ khác, nên chỉ khi nào vô tình mới gặp", anh T.L nêu cụ thể.
Hiện tại, một đơn hàng của các shop sách thường tốn những chi phí sau: phí bán 1 đơn hàng 10% phí lấy hàng 7.000 đồng/đơn (tùy theo trọng lượng và kích thước, đối với hình thức dropship đã được miễn phí từ ngày 12/11/2020) phí xử lý đơn hàng; theo đó, nếu đơn hàng có giá trị trên 1 triệu đồng, mức phí các shop phải chịu khoảng 12% đến 13%, còn dưới 200 ngàn đồng có khi đội lên trên 20%.
Ngoài ra, các chủ shop thỉnh thoảng phải chịu các loại phí phạt khác: trước đây sàn sẽ phạt 50.000 đồng, nếu chủ shop chậm xác nhận đơn hàng (nay đã bỏ mức phạt này với một số hình thức vận hành của nhà bán do bị phản đối) và nếu vi phạm nhiều lần, sẽ đánh thấp điểm số đơn hàng, tới một mức độ nào đó, sẽ hạn chế số đơn hàng trong 1 ngày của shop đó; phạt 200.000 đồng nếu không giao hàng đúng hẹn cho các shipper.
"Không ít lần tôi bị phạt 200.000 đồng hết sức oan ức, rõ ràng tôi không hề nhận bất cứ cuộc gọi nào từ shipper đến lấy hàng, song họ vẫn kết luận là tôi không chịu giao hàng cho các shipper. Tôi không biết, kết luận phạt của họ là dựa vào chứng cứ nào, họ chỉ nói với tôi là họ có công cụ theo dõi.
Theo tôi, trong trường hợp này: một là hệ thống công nghệ của họ có vấn đề, thứ hai có thể các shipper của họ lười đi lấy hoặc quá tải nhưng sợ bị sàn khiển trách vì không đi lấy hàng theo lịch trình đã set-up sẵn, nên ghi vơ vào là tôi không đưa hàng.
Hơn nữa, tôi thấy việc cào bằng mức phạt cho các đơn hàng đều 200.000 ngàn là không hợp lý, bởi có vài đơn hàng của tôi chưa có giá tới 200.000 ngàn", anh T.L cho biết thêm.
Theo anh T.L, sở dĩ anh chia sẻ những vấn đề này, không phải với ý định ‘bóc phốt’ sàn, bởi đó là sàn lớn có những ưu điểm riêng – ví dụ như quá trình quản lý các gian hàng chặt chẽ ít hàng giả, hàng nhái; mà anh muốn một cuộc chơi công bằng cho tất cả. Sàn đó vẫn là sàn TMĐT bán sách tốt nhất hiện tại.
Đối tác hàng thủ công mỹ nghệ: Họ tiếp tay cho các shop "ăn cắp chất xám"
Ở các lĩnh vực sàn TMĐT này không kinh doanh trực tiếp, các đối tác của họ lại có những bức xúc khác.
Anh L.T.T bán hàng thủ công mỹ nghệ như nội thất nhỏ trong nhà ở trên sàn được gần 2 năm, mỗi tháng doanh thu trung bình khoảng 50 triệu đồng. Theo anh L.T.T, trong dịp Tết vừa qua, có tới 10 đơn hàng của anh bị phạt chỉ trong 1 tuần. 10 đơn hàng bị phạt rơi vào 1 trong 3 nguyên do sau: xác nhận đơn hàng chậm, không chịu giao hàng cho shipper và không có hàng sẵn trong kho để giao.
"Trước đó, thỉnh thoảng tôi cũng có 1 đến 2 đơn hàng bị phạt, song vì số lượng ít, nên tôi cũng không quan tâm lắm. Lần này, do đơn hàng bị phạt quá nhiều, tôi đã thử đi điều tra nguyên do và thấy hầu hết chúng không đúng như phía sàn kết luận. Cũng may trong thời điểm đó, tôi có mặt ở cửa hàng liên tục và có đăng ký dịch vụ ghi âm cuộc gọi, nên mới chứng minh được những đơn hàng mà tôi bị phạt do shipper đến lấy mà tôi không giao hàng là không đúng. Chẳng có shipper nào đến lấy hàng hết!
Bên cạnh đó, rõ ràng tôi đã set-up trên hệ thống sàn là shop của mình đã hết hàng, song nó không hiển thị và vẫn để tình trạng còn hàng, khiến họ phạt tôi. Có đơn hàng đã giao hàng thành công nhưng hệ thống họ lỗi và ghi nhận là không giao hàng cho khách hàng và cũng bị phạt 200.000 đồng. Ngoài ra, tỷ lệ đơn hàng ảo trên sàn dạo này cũng vô cùng cao, tới 20%, trong khi những sàn khác chỉ khoảng 3% đến 4%. Và vì họ không công bố số điện thoại của khách hàng, nên chúng tôi không thể tự xác nhận được đâu là đơn ảo đâu là đơn thật, chỉ đành chịu trận", anh L.T.T kể.
Anh L.T.T cho biết đã chứng minh được là mình bị oan, song cho đến thời điểm hiện tại, phía sàn vẫn chưa trả lại tiền phạt cho anh. Ngay cả tiền hàng phải trả cho anh ở đợt đối soát và 29/1/2021, họ vẫn chưa thanh toán. Theo anh L.T.T, dạo gần đây, sàn này thường xuyên chậm trả tiền cho anh, có khi họ gửi mail để thông báo rằng mình sẽ trả chậm, có khi thì không.
Trong dịp Tết vừa qua, anh L.T.T có tới 10 đơn hàng bị phạt chỉ trong 1 tuần.
Anh L.T.T còn bổ sung thêm: "Nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn trả lời rất máy móc và có khi còn có thái độ nạt nộ, không lắng nghe mà hay vin vào việc ‘quy chế sàn’ để chống chế với khách hàng".
Trong hợp đồng giữa 2 bên, có ghi rõ thời gian phía sàn sẽ phải trả tiền hàng cho đối tác, song lại không có điều luật phạt nếu họ không đúng hẹn. Ngược lại, sàn này luôn truy thu trước tiền phạt của đối tác và nếu đối tác chậm nộp tiền vào tài khoản ký quỹ, thì sẽ bị họ phạt một số tiền nhất định.
"Một vấn đề nữa mà tôi cảm thấy rất bức xúc, chính là dường như sàn đang tiếp tay cho những shop thích ‘ngồi mát ăn bát vàng’ hay thích ăn cắp chất xám của người khác.
Hàng thủ công mỹ nghệ - nột thất của chúng tôi là hàng độc quyền, do chúng tôi tự sáng tạo kiểu mẫu và tự sản xuất. Tuy nhiên, với việc sàn cho phép các shop cùng bán 1 sản phẩm, có thể lấy sẵn hình của sản phẩm đó trên hệ thống, khiến nhiều chủ shop khác đã không những lấy hình sản phẩm, mà còn lấy clip và miêu tả sản phẩm của chúng tôi để bán hàng.
Hậu quả: khi click sản phẩm đó, khách hàng sẽ thấy sàn điều hướng ra một loạt shop bán sản phẩm tương tự và nhiều người ham rẻ mua của shop khác. Sau đó, khi nhận hàng về, họ thấy sản phẩm không như miêu tả đã đọc và gọi điện chửi chúng tôi hoặc đánh giá 1 sao. Với tư cách chủ cửa hàng và cả khách hàng, chúng tôi đã gọi điện phản ánh điều đó, song phía sàn trả lời rằng, những shop ‘ăn cắp’ kia không làm gì sai, nếu chúng tôi đã bán hàng trên đó, thì phải chấp nhận luật chơi của họ (đây là quy chế mà sàn đưa ra và mô hình của sàn không thay đổi được).
Nhưng, như vậy rõ ràng sàn đã tiếp tay cho những chủ cửa hàng khác ăn cắp chất xám của chúng tôi và ‘lập lờ đánh lận’ con đen với khách hàng, lợi dụng tâm lý thích mua đồ rẻ và không chú tâm đến ai là chủ sở hữu shop của khách hàng để trục lợi", anh L.T.T tiết lộ.
Ở khía cạnh khác, do đồ thủ công mỹ nghệ nên thỉnh thoảng các sản phẩm của shop này khá cồng kềnh và mặc dù đã miêu tả cẩn thận trên đơn hàng, song không ít lần các shipper của sàn không chịu nhận, bởi không đọc kỹ đơn hàng để mang theo đồ hỗ trợ chuyên chở phù hợp. Trong những trường hợp như vậy, anh L.T.T cũng bị phạt với lý do là ‘không giao hàng đúng hẹn cho shipper’.
Những vấn đề trên, không chỉ anh T.L hay L.T.T mắc phải khi hợp tác làm ăn với sàn, mà rất nhiều chủ shop đều gặp. Họ cũng đã nhiều lần phản ánh lên bộ phận chăm sóc đối tác của sàn, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng hoặc vấn đề được giải quyết.
Chúng tôi đang liên hệ với phía sàn TMĐT này để có câu trả lời về những vấn đề mà các đối tác phản ánh.
Doanh nghiệp và tiếp thị