Một thỏi sôcôla “gánh” 12 bản công bố
Sáng 10-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giao ban Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TP.HCM, cho rằng các bên cần kết hợp chặt chẽ mới thực hiện được Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Điều băn khoăn là nhiều DN được hỏi lại cho biết họ không biết về các hỗ trợ của địa phương theo Nghị quyết 35.
Ông cũng cho rằng thời gian qua nhiều hiệp hội được thành lập nhưng hoạt động vì hội viên chưa hiệu quả. Tính sâu sát với DN chưa cao. Đặc biệt là thiếu tài chính để hoạt động.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, cho rằng từ 30 năm trước các nước đã tôn trọng vỉa hè, chỉ kinh doanh từ cửa nhà mình trở vào trong. Còn chúng ta cứ quen vi phạm, du di, chạy chọt, quà cáp... rốt cục là tự hại mình thôi. Các DN, các hộ kinh doanh nên tự chấn chỉnh lại.
"DN nên mạnh dạn chuyển đổi phương thức "sống" của mình, ủng hộ Chính phủ liêm chính, hành động" - ông Nghĩa góp ý.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN khu công nghiệp, khu chế xuất, cho rằng mỗi ngày các DN đóng góp 1.000 tỉ đồng tiền thuế. Nhưng khi hỏi tới khả năng tồn tại, phát triển thì tới 12% DN nói là rất khó khăn, 47% nói là khó khăn. Có 22% DN cho rằng thuế không minh bạch, rõ ràng. Có DN mấy năm sau mới bị kiểm tra, truy thu, phạt chậm nộp. Bộ máy càng xuống cơ sở, công chức càng có vấn đề, nhũng nhiễu.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất, phản ánh những khó khăn trong hoạt động của DN. "Đi mua lá đậu mà đòi có hóa đơn đỏ, đòi chuyển khoản! Sau đó nói mãi mới tháo dỡ, không đòi hóa đơn. Vừa rồi nhờ VCCI tôi mới gặp được Bộ Tài chính để phản ánh một khó khăn khác, mà ba năm rồi cũng chưa giải quyết" - bà Cúc than thở.
Đại diện ban thực phẩm đồ uống thuộc Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) cho rằng có sự không đồng nhất trong quy định về thực phẩm. DN phải đi công bố nguyên liệu mua về để sản xuất sản phẩm nội bộ. Ví dụ, DN cần 12 nguyên liệu làm một thỏi sôcôla và phải công bố hết 12 nguyên liệu này. DN có chuẩn quốc tế rồi, nhưng vào Việt Nam phải xin thêm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.
"Chúng tôi phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra một năm, đến 6-7 lần/năm, đều xoay quanh mấy nội dung như nhau. Sao không giảm tần suất đi, hoặc quy định trong vòng 2-3 năm không được thanh tra lại cùng một nội dung" - vị này góp ý.
Pháp luật TPHCM