MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa bão dữ dội ở Thái Bình Dương

28-10-2018 - 09:43 AM | Tài chính quốc tế

Siêu bão Yutu, được xem là mạnh nhất từ đầu năm đến nay, đang hướng về Philippines sau khi tàn phá quần đảo Bắc Mariana, một lãnh thổ thuộc Mỹ ở Tây Thái Bình Dương

Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ cho biết bão Yutu đã mạnh trở lại thành bão cấp 5 (mức cao nhất theo thang bão Saffir-Simpson với sức gió từ 252 km/giờ trở lên) và được dự báo đổ bộ vào phía Bắc đảo Luzon - Philippines đầu tuần tới.

Mạnh kỷ lục

Theo trang Axios, các mô hình máy tính dự báo Yutu khi đó có thể suy yếu còn bão cấp 2 hoặc 3. Trong khi đó, Cơ quan Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) dự báo cơn bão có tên gọi địa phương là Rosita này sẽ đổ bộ vào vùng Cagayan-Isabela ngày 30-10.

Trước khi đe dọa Philippines, Yutu được xem là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng đổ bộ vào lãnh thổ Mỹ kể từ năm 1935. Máy bay quân sự Mỹ hôm 27-10 đã vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp đến quần đảo Bắc Mariana sau khi siêu bão Yutu với sức gió lên đến 290 km/giờ càn quét 2 đảo Tinian và Saipan hôm 25-10, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng, hơn 130 người nhập viện trong lúc gây nhiều thiệt hại về vật chất.

Mùa bão dữ dội ở Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Một máy bay bị hư hại tại sân bay trên đảo Saipan hôm 26-10 sau khi siêu bão Yutu đổ bộ vào quần đảo Bắc Mariana. Ảnh: AP

Đến ngày 27-10, theo AP, đảo Saipan với 50.000 cư dân và đảo Tinian với 3.000 người vẫn bị mất điện trên diện rộng. Hàng trăm du khách còn mắc kẹt do sân bay quốc tế trên đảo Saipan đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại để nhường chỗ cho máy bay quân sự tham gia khắc phục hậu quả.

Yutu là cái tên mới nhất bổ sung vào danh sách siêu bão xuất hiện trên thế giới từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, Đông Thái Bình Dương ghi nhận một trong những mùa bão mạnh kỷ lục kể từ khi nó bắt đầu hôm 15-5 qua - theo thống kê của chuyên gia khí tượng Phil Klotzbach tại Trường ĐH bang Colorado (Mỹ). Cụ thể, đây là mùa bão thứ ba ghi nhận có 3 siêu bão cấp 5 (Willa, Lane, Walaka) - kể từ khi số liệu này được thống kê (2 năm trước là 1994 và 2002).

Biến đổi khí hậu đang diễn ra

Siêu bão Willa vừa đổ bộ bang Sinaloa - Mexico đêm 23-10 (giờ địa phương), gây không ít thiệt hại vật chất. Dù đã giảm xuống còn bão cấp 3 với sức gió 195 km/giờ, theo Reuters, Willa vẫn là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào vùng bờ biển Thái Bình Dương của Mexico trong những năm gần đây. "Tôi cứ tưởng tận thế đã đến" - bà Alma Rosa Ramirez, một cư dân 45 tuổi tại thị trấn Escuinapa, mô tả những gì nhìn thấy khi bão quét qua.

Trước đó, siêu bão Walaka khi quét qua bang Hawaii - Mỹ hồi đầu tháng này đã khiến đảo Đông biến mất hoàn toàn. Theo tờ The Guardian, đảo Đông - dài khoảng 800 m và rộng 120 m - là hòn đảo lớn thứ hai trong rạn san hô French Frigate, nằm phía Tây quần đảo Hawaii.

Một số nhà khoa học nhận định sự kiện trên là bằng chứng nữa cho thấy biến đổi khí hậu là có thật và đang xảy ra. Tình trạng này làm đại dương và khí quyển ấm lên, từ đó khiến bão thêm mạnh.

Mùa bão dữ dội ở Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Ảnh chụp mắt bão Yutu ở phía Đông đảo Guam, lãnh thổ thuộc Mỹ, hôm 24-10 Ảnh: AP

Cũng theo ông Klotzbach, có tổng cộng 22 cơn bão được đặt tên ở Đông Thái Bình Dương từ đầu mùa bão - so với kỷ lục 27 cơn năm 1992. Trong số này có 10 cơn bão mạnh từ cấp 3 trở lên - con số cao thứ hai từ trước đến giờ.

Dù số lượng cơn bão không phải là kỷ lục mới, tốc độ gió cực đoan của chúng đã làm được điều này. Theo ông Klotzbach, số liệu ấn tượng nhất về mùa bão ở Đông Thái Bình Dương năm nay là số lượng ngày có bão lớn xảy ra (tốc độ gió từ 178 km/giờ trở lên). Con số này năm nay là 34,5 ngày, so với kỷ lục 24 ngày năm 2015.

Ông Klotzbach cho hay một phần lý do dẫn đến mùa bão dữ dội ở Thái Bình Dương năm nay là bề mặt biển ấm khác thường. Điều đáng lo là nhiệt độ này sẽ tiếp tục tăng, đe dọa hình thành các cơn bão mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Ở Đại Tây Dương, Florence và Michael là 2 cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất kể từ đầu mùa bão. Trong số này, Michael là bão mạnh nhất từng đổ bộ vào lục địa Mỹ trong hơn 25 năm qua khi tràn vào bang Florida hôm 10-10 với sức gió lên đến 250 km/giờ, theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ.

Mùa bão ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục cho đến ngày 30-11 nên những số liệu thống kê nói trên vẫn chưa phải là con số cuối cùng.

Mùa bão dữ dội ở Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Thảm họa động đất, sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi – Indonesia hôm 28-9 đã gây thiệt hại khoảng 1,01 tỉ USD Ảnh: ANTARA

Indonesia thiệt hại hơn 1 tỉ USD vì động đất, sóng thần

Trận động đất cường độ 7,4 kéo theo sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi - Indonesia hôm 28-9 đã gây thiệt hại 15,29 ngàn tỉ rupiah (khoảng 1,01 tỉ USD) tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Sutopo Purwo Nugroho, quan chức Cơ quan giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB), hôm 26-10 cho biết chỉ tính riêng TP Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi, ghi nhận mức thiệt hại vật chất và các thiệt hại khác vào khoảng 7,6 ngàn tỉ rupiah. Tại 3 huyện bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất là Sigi, Donggala, Parigi Moutong, thiệt hại ước tính lần lượt là 4,9 ngàn tỉ rupiah, 2,1 ngàn tỉ rupiah và 631 tỉ rupiah. Những thiệt hại khác do thảm hoạn này gây ra, như hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, vào khoảng 2,32 ngàn tỉ rupiah.

Đài Aljazeera cho biết thảm họa động đất, sóng thần nói trên đã khiến ít nhất 2.000 người thiệt mạng và hơn 200.000 người mất nhà cửa. Phát ngôn viên quân đội Indonesia, Teguh Puji Raharjo, nói rằng tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn đến tháng 12 và hàng hóa cứu trợ tiếp tục được vận chuyển bằng đường hàng không đến người sống sót.

Ông Raharjo cho biết phần lớn hàng cứu trợ hiện đến từ các tổ chức tư nhân trong khi chính phủ vẫn chưa cung cấp nhiều nhu yếu phẩm cho người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng. Dù vậy, theo người phát ngôn này, các chính quyền địa phương sẽ sớm phải tiếp quản hoạt động cứu trợ vì vấn đề chi phí và thời gian bay hạn chế của trực thăng.

Phạm Nghĩa

Theo Hoàng Phương

NLĐ

Trở lên trên