MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua gì trên thị trường chứng khoán để sinh lãi?

Nửa cuối quý I và tháng đầu tiên của quý II, thị trường chứng khoán đã có sự bứt phá ngoạn mục, VN-Index tiến sát mốc 600 điểm, trước khi đóng cửa kỳ nghỉ lễ. Vậy, thị trường có tiếp tục bứt phá, và nhà đầu tư nên “ôm” cổ phiếu nào để đồng tiền sinh lãi?

Bất động sản, dầu khí có "nổi sóng"?

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, sau đà tăng trong nửa cuối quý I, bước sang quý II, khối ngoại sẽ hoạt động tích cực trở lại và trở thành yếu tố quan trọng hỗ trợ dòng tiền, cũng như tâm lý nhà đầu tư nội trên thị trường.

“Trong nửa đầu quý II, thị trường có 4 yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất là một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành bất động sản, thực phẩm tiêu dùng, dầu khí lấy lại được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số. Thứ 2 là khối ngoại bắt đầu giải ngân vào thị trường sau chuỗi bán ròng mạnh giúp cải thiện yếu tố dòng tiền. Diễn biến này đồng thời hỗ trợ không nhỏ tâm lý của nhà đầu tư nội. Thứ 3 là mùa đại hội cổ đông đi vào giai đoạn cao điểm trong tháng 4, cùng với đó là thông tin về tiến trình thông qua ý kiến cổ đông về việc tiến hành nới room cho nhà đầu tư ngoại, hay các thủ tục cần thiết để bước đầu hiện thực hóa Nghị định 60.

Và cuối cùng, làn sóng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhằm đón đầu hiệp định thương mại TPP góp phần duy trì triển vọng kinh doanh sáng tại một số các nhóm ngành. Chúng tôi kỳ vọng một số cổ phiếu cá biệt sẽ có khả năng chiến thắng thị trường” - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định.

Cụ thể, theo VCBS, lợi nhuận ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh đối với nhóm cổ phiếu ngành này. Bên cạnh một số ngân hàng có triển vọng lợi nhuận tiêu cực, do áp lực trích lập dự phòng tăng cao, thì ở chiều ngược lại, những ngân hàng đã tích cực tái cấu trúc, sẽ có triển vọng lợi nhuận rất khả quan. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đang muốn “kiếm chác” từ cổ phiếu nhóm bank.

Thứ 2 là nhóm bất động sản - vật liệu xây dựng, nhu cầu xây dựng và bất động sản có triển vọng tăng trưởng đáng kể, nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đón đầu Hiệp định thương mại tự do TPP. Cùng với đó, diễn biến giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào là các yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm ở các nhóm này.

Với nhóm thực phẩm tiêu dùng, tâm điểm chủ yếu xoay quanh cổ phiếu Vinamilk (VNM) với thông tin về tiến trình nới room cho nhà đầu tư ngoại. Còn riêng nhóm dầu khí, dù được cho là động thái tăng trong thời gian qua chủ yếu là do đầu cơ, nhưng rõ ràng diễn biến của nhóm này phụ thuộc lớn vào biến động giá cả dầu thô thế giới.

Biến động giá của nhóm này là rất khó lường và phù hợp với nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Nhà đầu tư có thể ưu tiên áp dụng chiến lược ngắn hạn trước khi giá dầu thiết lập mặt bằng giá ổn định. Một nhóm khác là chứng khoán, kỳ vọng thị trường duy trì trạng thái tích cực nửa đầu quý II giúp kỳ vọng kết quả kinh doanh nhóm chứng khoán sẽ cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ có thế tích cực trở lại theo sau những thông tin hỗ trợ.

Bên cạnh đó, bước sang quý II, diễn biến của nền kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến theo hướng thuận lợi hơn như Fed thận trọng hơn trong việc ra quyết định nâng lãi suất, nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng như EU, Nhật Bản…, và rủi ro từ phía Trung Quốc lắng xuống, khi các biện pháp ngăn chặn đà giảm tốc bắt đầu phát huy tác dụng.

Cẩn thận rủi ro đảo chiều

Theo VCBS, thị trường chứng khoán sẽ đối mặt với nguy cơ đảo chiều trong nửa sau của quý II do nhiều yếu tố. Thứ nhất, nền kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, GDP trong quý I chỉ đạt 5,46%. Đáng chú ý, dấu hiệu chững lại của lĩnh vực sản xuất tiếp tục được thể hiện khi ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 9% của quý I/2015.

Có thể thấy, triển vọng không lạc quan của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã và đang có ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế Việt Nam. Thứ 2, giá cả các loại hàng hóa có dấu hiệu suy giảm trở lại sau quãng thời gian hồi phục khá, nhất là sự phục hồi này không đi kèm các yếu tố cơ bản đặc biệt là sự ấm lên từ phía nền kinh tế.

Thứ 3, giai đoạn cuối quý II được cho là vùng trũng thông tin khi các kết quả kinh doanh năm 2015 đã được phản ánh và mùa đại hội cổ đông dần chấm dứt trong khi kết quả kinh doanh bán niên vẫn chưa được công bố hoặc rò rỉ ra ngoài. Thứ 4, dù sức ép tỷ giá tạm lắng trong quý I và tỷ giá được dự báo sẽ duy trì ổn định trong quý II, song rủi ro lãi suất cho vay chịu áp lực tăng từ động thái tăng lãi suất huy động trong quý I.

Cùng với đó, là yếu tố liên quan đến tiến trình rủi ro Pháp lý, cụ thể là ảnh hưởng thông tư sửa đổi thông tư 36, Thông tư 07 về siết chặt quản lý nguồn vốn, trong bối cảnh bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 5, các văn bản pháp luật mới sẽ chưa thể sớm được thông qua hoặc sẽ có độ trễ nhất định. Vì vậy, các ảnh hưởng từ yếu tố này sẽ chỉ có thể tác động sớm nhất vào nửa sau năm 2016.

“Trong quý II, trong bối cảnh chỉ số đã chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh và hình thành xu hướng mới, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên phân bổ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục vào cổ phiếu dẫn dắt xu hướng thị trường và thu hút được dòng tiền. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt và thông tin hỗ trợ đặc biệt sẽ tiếp tục nổi bật”- VCBS khuyến nghị.

Theo Lệ Thúy

Công an nhân dân

Trở lên trên