MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua mới ở thời điểm này: Nên hay không?

Chỉ số VN-Index vừa thiết lập đỉnh mới của năm nay và thị trường đang có cơ hội tiến về mức đỉnh 640 đã thiết lập trong 2 năm trước. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi giới cho rằng việc tham gia mua mới trong thời điểm này, về mặt kỹ thuật, là “không nên chút nào”.

Trong một ngày đẹp, 8/6, chỉ số VN-Index đã tăng vọt lên 632,68 điểm trước khi chốt phiên tại 627,87 điểm – mức cao nhất kể từ ngày 29/7/2015.

Động lực từ đâu?

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó phòng môi giới I chi nhánh Hà Nội của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng thị trường trong phiên đã được cổ vũ bởi tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6 sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen. Bên cạnh đó, việc giá dầu trên thị trường thế giới lên trên mức 50 USD cũng cổ vũ cho dòng cổ phiếu dầu khí tăng.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Sự kiện Thế giới ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), bà Yellen nói rằng báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ là đáng lo ngại, nhưng cho biết các quan chức của Fed vẫn đang suy nghĩ nghiêm túc về việc tăng lãi suất trong tháng 7 hoặc tháng 9, ám chỉ rằng khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 đã được bỏ qua.

Sau bài phát biểu của chủ tịch Fed, đồng USD đã giảm giá. Ông Hoàng đánh giá rằng chi phí vốn không tăng sẽ hỗ trợ cho dòng tiền của khối ngoại, bằng chứng là nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào rất nhiều.

Số liệu tổng hợp cuối ngày cho thấy khối ngoại đã mua ròng 173,7 tỷ đồng trên sàn HOSE và 6,7 tỷ đồng trên sàn HNX, sau khi mua ròng lần lượt 92,8 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng trên 2 sàn này trong phiên trước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán MBS, thực tế nước ngoài đã mua khá nhiều trong tháng 5 và tháng 6, từ đó khiến nhà đầu tư lạc quan hơn về dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam.

Ông Hoạt cũng cho rằng thị trường còn khá nhiều thông tin hỗ trợ khác, như việc Thông tư 36 được sửa đổi theo hướng nới lỏng hơn so với quy định trước đây, hay việc cho doanh nghiệp vay USD trở lại cũng phần nào tác động.

Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ tích cực bởi một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, đường và dầu khí. Ông Hoạt cho biết giá đường trong tháng 5 đã tăng 4-5% so với tháng 4, còn tính từ đầu năm tới giờ tăng gần 40%, trong khi đó tồn kho của một số công ty ngành đường khá thấp, cho nên vòng quay hàng tồn kho cũng khá cao.

Ngành thép cũng có những thông tin tích cực như thuế vào Mỹ của HPG đã giảm từ 113% còn 0%, hay HSG trong 9 tháng đầu năm đã hoàn thành khá tốt kế hoạch kinh doanh, nên dư địa tăng được đánh giá còn nhiều.

Thêm một yếu tố hỗ trợ nữa, theo ông Trần Quang Bình, Trưởng phòng môi giới Chi nhánh Mỹ Đình của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thị trường tiếp tục tăng sau khi HSBC công bố một báo cáo cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng trong quý II, và đang vượt khỏi vòng nguy hiểm sau khi tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức đáng thất vọng trong quý I.

Tuy nhiên, các nhà môi giới này đều cảnh báo về khả năng rủi ro khi thị trường đang bước vào “vùng đỉnh” hay “vùng mạo hiểm”.

Rủi ro và cơ hội

Đưa ra quan điểm của mình về thị trường hiện tại, ông Nguyễn Hữu Hoàng (VDSC) cho rằng: “Về mặt kỹ thuật, mua mới ở thời điểm này là không nên chút nào”. Ông cho biết có một số nhóm nhà đầu tư đã bán kỹ thuật ở mức 630 điểm.

“Ngưỡng cản 640 điểm là một ngưỡng cản đặc biệt, từng ghi nhận hồi tháng 9/2014 và tháng 10-11/2015. Lần này, VN-Index đi một mạch từ 510 điểm lên 640 điểm nên cần nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, trong trường hợp giá dầu tiếp tục lên và khối ngoại tiếp tục mua vào, nhà đầu tư vẫn có thể mạo hiểm mua những cổ phiếu có sự tham gia của khối ngoại.

Dù vậy, theo nhà môi giới của VDSC, thị trường trong ngắn hạn cũng chỉ có thể lên đến 640 là kịch điểm. Còn trong trung hạn, nếu điều chỉnh xảy ra nhưng không thủng ngưỡng 575 điểm, chỉ số VN-Index có thể sẽ lên khoảng 680 điểm vào tháng 9 tới.

Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hoạt (MBS) cho rằng thị trường đang bắt đầu bước vào giai đoạn rủi ro ngắn hạn, nhưng trong trung hạn và dài hạn thị trường vẫn đang có xu hướng tích cực.

Ông Hoạt cũng cho rằng vừa rồi thị trường đã tăng 1 mạch mà không điều chỉnh nhiều, cho nên càng lên cao áp lực bán ra càng mạnh hơn. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét chốt lời trong ngắn hạn và chờ cho đến khi VN-Index “test” ngưỡng 630 điểm thành công mới nên tham gia trở lại.

Đánh giá về rủi ro từ việc tăng lãi suất của Fed, ông Hoạt cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất được dự báo không cao sau báo cáo kém khả quan về thị trường lao động của Mỹ. Nhưng ngay cả khi Fed có tăng lãi suất, điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam, do Việt Nam hiện tại vẫn là 1 thị trường cận biên và đang khá rẻ hơn so với khu vực.

Tỷ lệ P/E của thị trường Việt Nam (ngày 7/6) đang khá thấp
Tỷ lệ P/E của thị trường Việt Nam (ngày 7/6) đang khá thấp

Dòng tiền có thể chạy sang Upcom

Một rủi ro nữa đối với các chỉ số trên các sàn giao dịch chính thức, theo ông Trần Quang Bình, là khả năng khả năng dòng tiền sẽ chuyển từ các sàn HOSE và HNX sang thị trường Upcom.

Chỉ số Upcom Premium Index sắp được ra mắt, và ông Bình cho rằng trong chỉ số này có nhiều cổ phiếu rất tốt, có thể kể đến như GEX, MSR, SDI, SWC, VGC hay VGG.

Trong khi đó, trên thị trường chính thức nhiều cổ phiếu lớn đã luân phiên tăng giá để đẩy chỉ số lên, nên bây giờ giá đã ở mức cao rồi. Thị trường đang ở vùng đỉnh, và nếu những cổ phiếu này mà cùng giảm, thị trường sẽ rất căng.

So với thị trường chính thức, ông Bình cho rằng chỉ số Upcom Premium khả năng sẽ có dư địa tăng tốt hơn do nhiều cổ phiếu giá còn thấp.

Ngoài ra, một trong những mục đích quan trọng của các nhà quản lý có thể là muốn dòng tiền quay về thị trường Upcom do ở đây quy tụ nhiều công ty mới cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, tạo động lực cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Khi dòng tiền chuyển sang Upcom để đón đầu việc chỉ số Upcom Premium ra đời vào gần cuối tháng 6 này, thị trường chính thức có thể bị hút bớt tiền, theo đó cũng chịu bất lợi.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên