MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mức tăng lương của lao động Việt Nam năm nay có cao hơn lạm phát?

Mức tăng lương của lao động Việt Nam năm nay có cao hơn lạm phát?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng tiền lương ở châu Á dự kiến ​​sẽ tăng trong năm nay. Nhưng liệu mức tăng lương này có đuổi kịp lạm phát hay không, trong bối cảnh chuỗi cung ứng chưa hồi phục hoàn toàn và các xung đột địa chính trị leo thang, lại là một dấu hỏi lớn.

Trên khắp khu vực châu Á, các chuyên gia dự báo mức tăng lương dự kiến ​​sẽ cao hơn năm trước, khi các nền kinh tế trong khu vực bắt đầu thoát khỏi suy thoái kinh tế do Covid-19. Điều này xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang làm tăng giá cả, vì sự gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng toàn cầu. Thậm chí trước đó, đại dịch bùng phát đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Tiền lương tăng ở mức nào?

Ông Edward Hsu, chuyên gia tại Willis Towers Watson (WTW), một công ty tư vấn Anh-Mỹ, cho biết: "Có một số yếu tố đang được xem xét, để các nhà tuyển dụng hào phóng hơn với việc tăng lương trong năm nay".

Một cuộc khảo sát của WTW với khoảng 5.700 công ty trên 27 thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Ấn Độ có khả năng chứng kiến ​​mức tăng lương trung bình 9,2% trong năm nay, một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực và vượt mức tăng 8,7% của năm ngoái. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​mức tăng lương 6%, tăng từ 5,6% vào năm 2021.

Khảo sát được tiến hành vào quý 4/2021 và công bố vào tháng 1/2022. Kết quả cho thấy cứ 5 công ty thì có 2 công ty đang lên kế hoạch chi lương cao hơn trong năm nay, trong đó các nhà tuyển dụng đã tính đến yếu tố chi phí sinh hoạt tăng.

Ở Đông Nam Á, mức tăng lương dự kiến theo báo cáo ​​của WTW trong năm nay ở Việt Nam là 7,3%, tăng từ 6,3% trong năm 2021, tại Indonesia là 6,6%, tăng từ 5,8% của năm 2021; 3,8% ở Singapore, so với 3,4% của năm 2021.

Mức tăng lương của lao động Việt Nam năm nay có cao hơn lạm phát? - Ảnh 1.

Chuyên gia Puneet Swani tại Công ty tư vấn toàn cầu Mercer nói với Nikkei Asia: "Sau một năm im hơi lặng tiếng vào năm 2020, năm mà các công ty gặp thách thức về tính liên tục trong kinh doanh, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự phục hồi lớn vào năm 2021". 

"Hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ kết hợp với cách làm việc mới đã cho phép các công ty có thể hỗ trợ nhân viên phần nào trong việc trang trải chi phí sinh hoạt cao do lạm phát gia tăng. Điều này đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng hào phóng hơn trong việc tăng lương" - chuyên gia này cho biết thêm.

Cuộc khảo sát của Mercer, được công bố vào tháng 12, cho thấy các công ty ở châu Á - Thái Bình Dương dự báo mức tăng trung bình 5,4% trong mức lương tổng thể trong năm nay, cao hơn so với 5,1% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2020.

Điều rõ ràng hơn là các nhà tuyển dụng cảm thấy áp lực phải trả lương nhiều hơn, một phần là để cạnh tranh trong việc thu hút lao động. So sánh thị trường lao động hậu Covid-19 với thời điểm hậu khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm, công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia đã lưu ý vào rằng, tiền lương đang tăng nhanh hơn trong thời gian này.

Robert Walters, công ty tư vấn tuyển dụng có trụ sở tại London đã thực hiện cuộc Khảo sát tiền lương năm 2022 với sự tham gia của khoảng 600 người trả lời từ 6 quốc gia Đông Nam Á - Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Khảo sát đã ghi nhận tỷ lệ tiêu hao lực lượng lao động (attrition rate) ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp, điều này đã làm trầm trọng thêm sự khan hiếm chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, tự động hóa và phân tích.

Mức tăng lương của lao động Việt Nam năm nay có cao hơn lạm phát? - Ảnh 2.

Khảo sát này cũng đánh giá rằng, vào năm 2022, các nền kinh tế này sẽ ngày càng thiếu nhân công chất lượng cao trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ.

Ông Gerrit Bouckaert, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại Robert Walters, cho biết: "Ngành công nghệ có xu hướng mời gọi mức tăng lương trung bình cao hơn. Chúng tôi dự báo sẽ có áp lực tăng lương đối với các chuyên gia cấp trung và cấp cao với tất cả các quốc gia Đông Nam Á".

Áp lực lạm phát ra sao?

Hiện tại, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát ở châu Á là tương đối khiêm tốn so với các thị trường phương Tây. Về tác động của xung đột Nga - Ukraine, các chuyên gia này cho rằng, với mối liên hệ kinh tế và tài chính không quá sâu với Nga và Ukraine, châu Á sẽ chịu tác động nhẹ hơn châu Âu và Mỹ, chuyên gia Priyanka Kishore của Oxford Economics viết.

Tuy nhiên, nhà kinh tế này cũng nói thêm, châu Á "sẽ cảm nhận được tác động của việc giá năng lượng tăng và nhu cầu nước ngoài suy yếu".

Tương tự như vậy, các nhà kinh tế học Taimur Baig và Chua Han Teng của DBS cho rằng, "vai trò quan trọng của Nga và Ukraine trong việc cung cấp ngũ cốc và năng lượng đã khiến thị trường khiếp sợ", họ cảnh báo rằng "sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu và thực phẩm rõ ràng gây ra rủi ro lạm phát hơn nữa trong năm nay".

Đồng thời, họ lưu ý rằng đà lạm phát ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam "về cơ bản là thấp hơn" so với Mỹ hoặc Liên minh châu Âu. Các nhà kinh tế cho biết: "Châu Á, phần lớn là các nước nhập khẩu năng lượng, sẽ thấy không thoải mái với các diễn biến hiện nay, nhưng khu vực này có đủ dư địa để đối mặt với việc giá dầu và khí đốt tăng cao", các nhà kinh tế cho biết.

Mức tăng lương của lao động Việt Nam năm nay có cao hơn lạm phát? - Ảnh 3.

Với Việt Nam, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới đây, World Bank tiếp tục đánh giá lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiềm chế mặc dù giá nhiên liệu tăng.

World Bank nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% (so với cùng kỳ năm trước), mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong đó, giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng.

Trong khi đó, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong 2 tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.

Trước đó, giữa tháng 2, ngân hàng HSBC đã nâng dự báo lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Theo ngân hàng này, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Song, HSBC nhận định, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm 2022.

"Mức lạm phát dự báo 3% không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ", HSBC đánh giá.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 2 cho biết, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm nay tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, với các dự báo và thống kê nói trên, thì có cơ sở để cho rằng mức tăng lương vẫn chưa bị lấn át hoàn toàn bởi lạm phát.

https://cafef.vn/muc-tang-luong-cua-lao-dong-viet-nam-nam-nay-co-duoi-kip-lam-phat-20220313205034344.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên