MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muôn kiểu tranh chấp nhà chung cư khi bàn giao

14-05-2020 - 16:57 PM | Bất động sản

Chung cư gia tăng nhanh ở các đô thị kèm theo đó là không ít những kiểu tranh chấp. Trong khi nhiều cuộc tranh chấp vì lợi ích chính đáng của đa phần các cư dân sống trong căn hộ thì cũng có những cuộc tranh chấp bị giật dây bởi một nhóm người với mục đích cá nhân.

Cuối năm 2019, một chủ đầu tư khi bàn giao căn hộ tại Bình Dương đã ghi nhận ý kiến của nhà thầu thi công và chủ động thay đổi loại cửa sổ khác, chất lượng hơn để đảm bảo kỹ thuật. Mặc dù chủ đầu tư giải thích loại cửa mới tốt hơn so với cửa trong hợp đồng nhưng một số người dân khi vẫn phản ứng gắt gao đòi hỏi phải trả lại cửa cũ, kêu gọi mọi người đã thả băng rôn dọc các cửa sổ căn hộ để phản đối chủ đầu tư thay đổi cửa sổ. Sau đó, chủ đầu tư phải xin lỗi cư dân và mong được chấp thuận.

Còn tại Hà Nội, một chủ đầu tư có dự án vừa bàn giao trong năm 2019 cũng cho biết, từ khi triển khai có một khách hàng là chủ doanh nghiệp ngỏ ý muốn làm nhà thầu cung cấp vật liệu và nội thất cho công trình. Nguyện vọng không thành, vị này thường xuyên chia sẻ với khách hàng các thông tin không đúng về chủ đầu tư như năng lực tài chính, tiến độ dự án...bên cạnh đó còn kích động cư dân căng băng rôn, khiếu kiện chủ đầu tư.

Cũng trong tình trạng tương tự, một chủ đầu tư dự án nằm trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai) từng cho biết, thời điểm vừa bàn giao giữa chủ đầu tư và cư dân tại tòa nhà luôn trong tình trạng vô cùng gay gắt. Có một nhóm lợi ích liên tục kích động cư dân đấu tranh, đòi quyền lợi. Sau khi chủ đầu tư gặp gỡ người đứng đầu nhóm lợi ích thì người này đưa ra điều kiện muốn được thuê mặt bằng ở tầng thương mại với giá rẻ và nhiều ưu đãi.

Một chủ đầu tư đã đưa vào vận hành nhiều dự án tại Hà Nội và TP HCM cho biết, khi dự án mới đưa vào bàn giao có những người tự nhận là ban đại diện cư dân nhưng thực tế chỉ là một nhóm nhỏ muốn thâu tóm lợi ích về mình. "Thực tế cho thấy, đôi khi trong những cuộc đấu tranh như vậy, thay vì đòi quyền lợi chung thì họ chỉ nhằm gây sức ép để đạt được thoả thuận của mình. Ví dụ có người đề nghị chúng tôi giảm số tiền phải nộp vào đợt cuối khi nhận nhà hoặc yêu cầu chủ đầu tư mua lại căn hộ với giá chênh cao", vị này chia sẻ.

Theo các chuyên gia, tại nhiều dự án chung cư đã đi vào sử dụng, bên cạnh những cư dân đấu tranh cho quyền lợi chính đáng thì cũng có một số nhóm cư dân vì động cơ nào đấy chuyên đứng sau giật dây đẩy mâu thuẫn chung cư lên cao trào. Họ nhắm vào một số lỗi của chủ đầu tư, nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư bị đẩy lên cao trào vì những lý do như "chất lượng dịch vụ chưa xứng với phí quản lý" "phí giữ xe dù đúng quy định nhà nước nhưng cao hơn các chung cư cùng khu vực"…

Thậm chí, có dự án, một nhóm người đã vận động cư dân trong khu nhà cùng đóng góp quỹ để in áo, in băng rôn, mua loa rồi kêu gọi, kích động nhiều người khác không nắm rõ thông tin cùng tụ tập kéo đến văn phòng chủ đầu tư, đứng ngã ba đường hay thậm chí kéo đến các cơ quan công quyền để phản đối đến mức quá khích. Thậm chí, nhiều người chỉ vì bức xúc nhỏ lại lập những nhóm (group), hội trên mạng xã hội rồi phóng đại thông tin, kích động nhiều người và khiến cho họ hiểu sai sự việc. 

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Văn Đỉnh cho biết việc người dân sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai lệch, kích động hay tụ tập, gây quỹ, in băng rôn phản kháng nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho các đối tượng xấu trục lợi, gây rối. Do đó, người dân nếu cảm thấy không hài lòng có thể kiến nghị và đối thoại với chủ đầu tư. Trường hợp vẫn không thỏa đáng, người mua nhà có thể nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc tòa án để đảm bảo quyền lợi. 

Nhận định về tình trạng lợi ích nhóm trong cuộc chiến chung cư hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, có xuất hiện dấu hiệu nhóm lợi ích khi cố tình tạo nên sự lộn xộn ở các chung cư.

Thậm chí, tại một số dự án, có đối tượng móc nối với thành phần xã hội đen, khống chế cộng đồng dân cư ở đó để được bầu vào ban quản trị, nhằm thao túng và trục lợi các quỹ. Trong số đó, số tiền lớn nhất được những nhóm lợi ích này "ngắm" đến đều tập trung vào quỹ bảo trì ở mỗi chung cư lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, ông cho rằng cũng không loại trừ những trường hợp đấu tranh vì mục đích cá nhân khác mà khó có thể biết được.

Có thể nói, mâu thuẫn, tranh chấp liên miên tại nhiều chung cư thời gian qua đã trở thành vấn đề phức tạp trong xã hội, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều kẽ hở pháp lý. Chính vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc thì ngay chính người dân sống tại các khu chung cư cũng phải hết sức tỉnh táo để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu chỉ để phục vụ cho lợi ích của một nhóm nào đấy.

Nam Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên