MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn tìm sếp có tâm và có tầm, hãy nhìn vào những điểm sau

15-06-2019 - 22:21 PM | Sống

Người ta thường nói để đánh giá lãnh đạo, hãy nhìn vào nhân viên của anh ta. Những người này có theo bạn không, bạn duy trì thành công ra sao, bạn có tin tưởng vào nhân viên của mình không?

Theo tác giả quản trị nổi tiếng John C.Maxwell, những lãnh đạo thành công thường có những điểm chung sau:

Đặt tập thể lên hàng đầu

Nhà lãnh đạo thành công thường nghĩ tới lợi ích của nhân viên trước khi nghĩ cho mình. Bill Russell là một cầu thủ bóng rổ thiên tài. Nhiều người coi ông là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng rổ chuyên nghiệp.

Russell nhận thấy: “Cách quan trọng nhất để đánh giá tôi chơi hay tới đâu trong một trận đấu là xem cách tôi hỗ trợ đồng đội của mình như thế nào.” Đó là quan điểm cần có để trở thành một người đào tạo lãnh đạo xuất sắc. Nhóm của nhà lãnh đạo phải được đặt lên hàng đầu.

Bạn có coi bản thân mình như một thành viên trong nhóm không? Hãy trả lời từng câu hỏi sau để thấy bạn đứng ở vị trí nào khi thúc đẩy hiệu quả công việc của nhóm:

1. Tôi có làm tăng giá trị cho người khác không?

2. Tôi có làm tăng giá trị cho công ty không?

3. Khi mọi việc thành công, tôi có dễ dàng nhường lại vinh dự không?

4. Nhóm của tôi có chấp thuận việc thu nạp thành viên mới không?

5. Tôi có sử dụng các “cầu thủ dự bị” hết khả năng của họ không?

6. Mọi người trong nhóm tôi có đồng lòng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng không?

7. Nhóm tôi có chủ trương giành chiến thắng hơn là tạo ra một ngôi sao không?

 Lãnh đạo là trao quyền

Bạn phát hiện ra nhà lãnh đạo bằng cách nào? Theo Robert Townsend, họ có hình dáng, tuổi tác và điều kiện khác nhau. Một số là những nhà quản lý kém, trong khi số khác lại không quá nhanh nhạy. Dấu hiệu chung là: nhà lãnh đạo thật sự có thể được nhận diện bởi nhân viên của anh ta làm việc rất xuất sắc.

Một nhà lãnh đạo tài giỏi không chỉ bởi năng lực, mà còn là khả năng trao quyền cho nhân viên. Thành công mà không có những người kế tục thì cũng chỉ là một thất bại. Trách nhiệm chính của nhà lãnh đạo là phát triển những người khác để tiếp tục công việc.

Đỉnh điểm của lòng trung thành với lãnh đạo là khi nhân viên của anh ta được phát triển dưới sự hướng dẫn của nhà lãnh đạo. Vì sao ư? Vì bạn đã chinh phục được người khác bằng cách giúp họ phát triển.

Muốn tìm sếp có tâm và có tầm, hãy nhìn vào những điểm sau - Ảnh 1.

Nhiều năm trước, Sheryl Fleisher, một trong những nhân viên chủ chốt của nhóm, khi mới gia nhập nhóm, không phải là một chuyên gia về lĩnh vực phát triển con người. John C.Maxwell bắt đầu làm việc cùng Sheryl cho tới khi cô ấy thật sự trở thành một chuyên gia. Giờ thì cô ấy đang rất thành công trong việc phát triển những người khác. Có mối liên hệ giữa lòng trung thành của Sheryl với ông.

Thời gian John C.Maxwell dành cho cô ấy đã tạo ra những thay đổi tích cực. Sheryl không bao giờ quên những gì ông đã làm cho cô ấy. Điều thú vị là thời gian mà cô ấy dành cho những người khác cũng giúp ông rất nhiều. Maxwell không bao giờ quên những gì Sheryl đã làm cho mình.

Những nhà lãnh đạo quanh bạn là tất cả những người bạn đã tiếp xúc hoặc đã giúp đỡ. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ thấy tình yêu và lòng trung thành ở những người thân cận với mình.

Phát triển những người khác

Mọi người luôn yêu quý và ngưỡng mộ những người có thể giúp họ bước lên một nấc thang mới tiến tới thành công. Những người có khả năng phát triển các đồng sự trong nhóm có một vài điểm chung:

1. Tăng giá trị của đồng sự. Các đồng sự trong nhóm có thể cho bạn biết họ có tin tưởng bạn không. Biểu hiện của nhân viên thường phản ánh những mong muốn về người họ tôn trọng.

2. Tăng giá trị những điều mà đồng sự trân trọng. Những người có thể giúp người khác phát triển thường lắng nghe những điều đồng sự đang nói đến và xem cách họ tiêu tiền. Những thông tin như vậy sẽ tạo ra một mối liên kết bền vững.

3. Tăng các giá trị cho đồng sự của mình. Việc thêm các giá trị thật sự cần thiết cho quá trình phát triển một người nào đó. Nhờ nó ta có thể tìm ra cách phát triển tài năng và quan điểm sống của họ. Muốn phát triển người khác, bạn phải luôn tìm kiếm tài năng và những điểm độc đáo ở người đó và sau đó giúp họ tăng cường những khả năng này.

4. Những người phát triển người khác làm cho bản thân mình có giá trị hơn. Những người này luôn nỗ lực tăng thêm giá trị bản thân không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn để giúp đỡ những người khác. Nếu muốn tăng cường khả năng của một cộng sự nào đó, hãy tự mình trở nên tốt hơn.

Các đồng sự nhìn nhận bạn như thế nào? Bạn có phải là một người phát triển người khác không? Bạn có làm cho họ tốt hơn khi họ nhận được sự khích lệ và đóng góp của bạn không? Bạn hiểu thế nào là giá trị của các cộng sự? Bạn có chú trọng những điều này bằng cách thêm giá trị cho họ không?

Người ta làm những điều mắt thấy

Theo nhà y tế nổi tiếng Albert Schaweitzer: “Tạo hình mẫu không phải là điều chủ yếu trong quá trình gây ảnh hưởng đến người khác… nó chỉ là một phần.” Một phần của quá trình tạo ra môi trường phát triển các nhà lãnh đạo là tạo hình mẫu. Người ta sẽ làm theo những điều họ coi là mẫu mực. Các nhà lãnh đạo làm gì, họ cũng sẽ làm theo như vậy. Mục tiêu của nhà lãnh đạo là trở thành mục tiêu của nhân viên. Nhà lãnh đạo tạo ra tinh thần chung.

Như Lee Iacoca nói: “Tốc độ của nhà lãnh đạo là tốc độ của cả nhóm.” Nhà lãnh đạo không thể yêu cầu ai đó điều gì nếu trước tiên anh ta không yêu cầu chính mình như thế.

Khi chúng ta trưởng thành và trở thành lãnh đạo, thì những người chúng ta dẫn dắt cũng sẽ như vậy. Chúng ta cần nhớ rằng khi nhân viên theo ta, thì họ chỉ có thể đi xa như ta đã làm. Nếu ngừng hoàn thiện bản thân, khả năng lãnh đạo của chúng ta cũng sẽ chấm dứt. Chúng ta không thể làm mẫu những gì chúng ta không có. 

Hãy bắt đầu học hỏi, hoàn thiện bản thân ngay bây giờ và cùng lúc đó hãy nhìn những người quanh ta cũng đang hoàn thiện mình. Là một nhà lãnh đạo, tôi trước hết chỉ là một người làm theo những nguyên tắc hợp lý và noi gương những nhà lãnh đạo xuất sắc khác.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên