MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ có thể rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh tiếp theo do bất ổn ở Venezuela

29-01-2019 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo một chuyên gia kinh tế đứng đầu Deutsche Bank, những rủi ro về bất ổn của Venezuela đã khiến thế giới rơi vào bế tắc chính trị theo kiểu Chiến tranh lạnh.

Quốc gia Mỹ Latinh này đã chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế và xã hội, do tình trạng lạm phát tăng phi mã, thiếu lương thực và thuốc men, cũng như nhiều vấn nạn của xã hội như cướp bóc và bạo lực. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (UN), mỗi ngày có khoảng 5.000 người Venezuela đang rời khỏi nơi này.

Theo đó, Washington đã kêu gọi tổng thống đương nhiệm - Nicolas Maduro, rời bỏ vị trí lãnh đạo và ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido - người mới đây tự tuyên bố là tổng thống lâm thời của Venezuela. Trong một lời đề nghị về hành động quân sự của Mỹ, Tổng thống Trump đã nói "tất cả các lựa chọn đã được đưa ra thảo luận".

Hành động này của chính phủ Mỹ cũng được nhiều quốc gia lớn ở phương Tây ủng hộ. Các quốc gia này cho biết họ sẽ công nhận Guaido là tổng thống mới, nếu ông Maduro không tiếp tục thực hiện các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia có một khoản đầu tư lớn vào Venezuela, cho biết họ "phản đối sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài". Trong khi Nga, một quốc gia khác có mối quan hệ chặt chẽ với Venezuela, cho rằng tuyên bố khẳng định quyền lực của ông Guaido là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong một buổi phỏng vấn với CNBC vào hôm thứ Hai, kinh tế gia cấp cao và trưởng phòng nghiên cứu về châu Á Thái Bình Dương tại Deutsche Bank, Michael Spencer, cho biết, Mỹ có thể thúc đẩy sự hiện diện về quân sự tại bán cầu tây lần đầu tiên trong nhiều năm. Ông nói rằng các chính phủ trên thế giới đang có quan điểm trái ngược về tương lai của Venezuela.

"Rủi ro ở đây là chúng ta sẽ chìm trong sự bế tắc kéo dài và nó giống như cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, khi bạn chứng kiến Nga và Trung Quốc ủng hộ Maduro, còn các quốc gia còn lại ủng hộ Guaido."

Nền kinh tế Venezuela phần lớn phát triển nhờ trữ lượng dầu lớn, tạo ra khoảng 1,1 triệu thùng dầu thô nặng mỗi ngày - đây là loại dầu thô được chuyển đổi thành dầu diesel và xuất khẩu sang Mỹ để sử dụng cho vận tải thương mại.

Spencer cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ gây ra trình trạng "tê liệt" đối với quốc gia Nam Mỹ này và có thể tác động đến sự thay đổi quyền lực. Ông nói thêm: "Venezuela có thể tiếp tục bán dầu cho Trung Quốc nhưng hộ không thể xuất khẩu đến bất cứ nước nào. Điều đó có thể là điều kiện đủ để chính phủ bị lật đổ."

Nhà kinh tế của Deutsche Bank cho hay, số tiền thu được từ xuất khẩu dầu được sử dụng để kiểm soát quân đội Venezuela và những bất ổn có thể sẽ dẫn đến sự kết thúc của chính phủ Maduro.

Để khẳng định mối quan hệ chặt chẽ với quân đội, chính phủ của ông Maduro đã công bố những hình ảnh trên sóng truyền hình hôm Chủ Nhật vừa rồi, cho thấy ông đang chạy bộ cùng các binh lính và trực tiếp xem các cuộc tập trận của quân đội.

Trong một bản dịch do Reuters cung cấp, ông Maduro sau đó nói rằng các lực lượng vũ trang đã sẵn sàng để đứng lên chống lại bất kỳ "cuộc đảo chính" nào được Mỹ hậu thuẫn. Ông nói: "Không ai tôn trọng kẻ yếu đuối, hèn nhát và phản bội. Trong thế giới này, điều được tôn trọng là sự dũng cảm, cam đảm và quyền lực. Không một ai được suy nghĩ về việc đặt chân lên vùng đất thiêng liêng này."

Hương Giang

CNBC

Trở lên trên