Mỹ đánh mất "thị trường vàng": Thương chiến đau đớn, nhưng chưa biết ai cần ai hơn!
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập vào cuối tháng 6 tới tại thượng đỉnh G-20 được kì vọng sẽ giúp giải quyết các bất đồng giữa hai phía.
- 25-05-2019'Bảng tỷ số' này sẽ cho bạn thấy Mỹ hay Trung Quốc là bên chiến thắng trong cuộc chiến thương mại
- 24-05-2019Chiến tranh thương mại "nóng rực", cổ phiếu Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính
- 24-05-2019Mạnh hơn cả thuế quan, đây là "vũ khí" mới mà Tổng thống Trump muốn sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Trung Quốc không lùi bước
Truyền thông Trung Quốc đang kêu gọi toàn dân vững vàng trước hành động "bắt nạt" của Mỹ . Trong khi đó, các quan chức chính phủ Bắc Kinh liên tục phát đi tín hiệu rằng Mỹ cần phải tái đàm phán lại các thỏa thuận.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại trong hơn 1 năm. Hai phía dường như đã đạt được 1 số cam kết nhất định cho tới đầu tháng này, khi tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc từ bỏ thỏa thuận và nâng mức thuế quan lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng mức thuế tương tự lên 60 tỉ USD hàng nhập khẩu Mỹ.
Hiện tại, theo CNBC, không có thông báo nào về vòng đối thoại tiếp theo giữa Mỹ - Trung, và thị trường vẫn đang chờ đợi những tín hiệu về diễn biến của chiến tranh thương mại trong tương lai. Trong suốt những ngày vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày càng đăng tải nhiều nội dung với hàm ý "chống Mỹ". Nhiều chuyên gia tại Bắc Kinh đã nhấn mạnh về những lợi ích mà Mỹ có thể có được từ hoạt động hợp tác cùng Trung Quốc.
"Trong 20 năm tới 30 năm tới, Mỹ không nên bỏ lỡ cơ hội và để tuột mất thị trường Trung Quốc," Wei Jiangou, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, trả lời CNBC. Ông hiện là phó chủ tịch và phó giám đốc điều hành tại Trung tâm nghiên cứu về Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ảnh minh họa: AFP
"Tôi tin rằng người Mỹ nên nắm lấy cơ hội này. Đây là hệ thống kinh tế lớn và có thể cho Mỹ nhiều lợi ích về kinh tế, bao gồm việc làm, hàng hóa, hàng xuất khẩu và doanh thu lớn," ông Wei nói.
"Theo cá nhân tôi nghĩ, miễn là tiếp tục đàm phán, thì sẽ có kết quả."
Li Yong - phó chủ tịch ủy ban chuyên gia tại Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc, trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc - cho hay: "Từ góc độ của các doanh nghiệp Mỹ, nếu chiến tranh thương mại còn tiếp diễn, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Trung. Tới cuối cùng, hình ảnh và ảnh hưởng mà Mỹ đã gây dựng trong thời gian qua sẽ không còn được như trước nữa. Thật đáng tiếc".
Zheng Yansheng, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn muốn đối thoại với Mỹ. Theo ông Zhang, có thể các cuộc đàm phán, đối thoại và trả đũa sẽ diễn ra liên tục trong vòng hơn một năm nữa.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV vẫn tiếp tục đang tải những bộ phim có nội dung "chống Mỹ". Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi người dân kiên cường, không gục ngã trước các yêu sách của Mỹ.
Ai là người cần thỏa thuận?
Theo ông Li, Trung Quốc đang ở vị trí không thể nào nhượng bộ Mỹ được nữa.
"Ban đầu, chúng tôi tin rằng các bên có thể hợp tác và dựa vào nhau để phát triển. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ phải cân nhắc lại vấn đề này."
Nhìn chung, các chuyên gia đều đồng tình với nhận định này. Bắc Kinh vẫn phụ thuộc phần lớn vào Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất cho Mỹ với tổng giá trị hàng hóa lên tới 539,5 tỉ USD - theo số liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Trung Quốc đang cố gắng biến đổi nền kinh tế tập trung vào tiêu thụ hơn là sản xuất. Trung Quốc đã tổ chức hội chợ nhập khẩu để hàng trăm triệu người tiêu dùng trong nước tiếp cận được tới nhiều hàng hóa thế giới hơn.
"Trung Quốc cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc," Jacob Shapiro, giám đốc trang nghiên cứu Geopolitical Futures, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Shapiro cho rằng nên thay đổi từ "cần" bởi "rõ ràng Mỹ cũng muốn tham gia thị trường Trung Quốc."
Nhiều công ty nước ngoài cũng muốn bán được sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những phàn nàn về việc đối xử không công bằng, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và thiếu bảo hộ tài sản trí tuệ đã trở thành những vấn đề nhức nhối trong chiến tranh thương mại.
Trung Quốc đã gỡ bỏ một số hạn chế trong các ngành công nghiệp như dịch vụ tài chính và ô tô. Hồi tháng 3, Bắc Kinh đã vội vã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, chính thức cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ và tăng cường bảo vệ các quyền đối với tài sản trí tuệ.
Tháng 6 tới, chính phủ Trung Quốc dự định sẽ công bố danh sách mở rộng các ngành công nghiệp mà doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư tại quốc gia này.
"Tôi tin rằng Trung Quốc đang cải cách và mở cửa. Năm nay, chính phủ sẽ ban hành nhiều chính sách mới nhất. Một năm đáng nhớ, một sức mạnh đáng kinh ngạc, và sẽ có rất nhiều thay đổi. Tại sao ư? Bởi vì chúng tôi nhận ra rằng đã tới lúc phải tăng tốc," ông Wei nói.
Nhiều người đã hi vọng rằng áp lực từ chiến tranh thương mại sẽ buộc Bắc Kinh thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. GDP của Trung Quốc hồi năm ngoái đã đạt mức thấp nhất từ năm 1990 và tỉ lệ này được cho là sẽ giảm thấp hơn trong năm nay. Trong khi đó, các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định.
Trí thức trẻ