Mỹ hỗ trợ TPHCM giảm ùn tắc cảng Cát Lái
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp, hỗ trợ Cục Hải quan TPHCM trong việc nghiên cứu giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, quận 2 nhằm giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm khoảng 5.000 tỉ đồng mỗi năm.
- 05-02-2019Xuất khẩu lô hàng đầu tiên năm Kỷ Hợi từ cảng Cát Lái đi Châu Âu
- 08-08-2014TP.HCM nỗ lực "khơi thông" ách tắc tại cảng Cát Lái
- 31-07-2014Nhiều nỗ lực “khơi thông” ùn tắc cảng Cát Lái
Ngày 16/9, Cục Hải quan TPHCM cho biết, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa phối hợp đánh giá kết quả sơ bộ khảo sát “Đề án Cát Lái” và cam kết sẽ hợp tác, hỗ trợ Cục Hải quan TPHCM cùng các bên liên quan thực hiện đề án, đẩy mạnh thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu teus vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TPHCM. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tăng hơn 10%/năm, tuy nhiên các chính sách kiểm tra chuyên ngành, thủ tục liên quan đến giao nhận hàng hoá gặp nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bãi, cảng chưa đáp ứng được công suất lưu thông hàng hoá.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, nhằm giải quyết tình trạng ách tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái, Cục Hải quan TPHCM đã thực hiện chương trình đột phá trong công tác tạo thuận lợi thương mại, chủ trì xây dựng và triển khai đề án tạo thuận lợi thương mại, thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái.
Ông Đinh Ngọc Thắng tặng hoa cảm ơn đại diện USAID Việt Nam.
Đề án này nhằm cắt giảm thủ tục, ứng dụng CNTT để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp; Giảm ùn tắc hàng hóa tại Cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng; Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững; Nâng cao thứ bậc về Chỉ số hiệu quả Logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.
"Với những ưu điểm trên, đề án xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời, nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận", ông Thắng nói.
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Cục Hải quan TPHCM trong việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng, đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TPHCM thực hiện đề án qua đó góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
USAID sẽ xem xét một cách tổng thể các hoạt động và nghiệp vụ hải quan tại cảng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, các nút thắt/vướng mắc, thời gian lưu bãi, đồng thời đề xuất các chiến lược và giải pháp dưới hình thức một kế hoạch hành động.
Bên cạnh đó, USAID cam kết phối hợp cùng các bên liên quan thuộc Chính phủ Việt Nam hoàn thành khảo sát và xây dựng các giải pháp chiến lược nhằm giảm bớt thời gian và chi phí thương mại, từ đó đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương lành mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tiền phong