MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Cái kết nào cho giá dầu?

10-05-2018 - 23:26 PM | Thị trường

Một số chuyên gia nhận định, nếu lệnh trừng phạt bị áp lại giá dầu có thể tăng tiếp khoảng 5 USD/thùng, tuy nhiên cũng sẽ quay đầu giảm nếu thỏa thuận hạt nhân không có gì thay đổi.

Sáng ngày 9/5 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Hành động này như lời phán quyết dành cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được sau chặng đường đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ giữa Iran và các cường quốc thế giới.

Ngay sau khi quyết định được công bố, rất nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Tổng thống Trump và cho rằng hành động ấy đã "đổ dầu vào lửa" cho tình hình bất ổn tại khu vực.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), Iran là nước có sản lượng dầu mỏ lớn thứ 3 trong nhóm OPEC (sau Saudi Arabia và Iraq), sản lượng trong năm 2017 của Iran ước đạt 3,81 triệu thùng/ngày (chiếm 12% tổng sản lượng năm 2017 của khối OPEC). Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran bị gián đoạn từ 7/2012 – 01/2016 do lệnh cấm vận quốc tế nhằm để Iran mất nguồn lực tài chính cho công nghệ hạt nhân. 

Năm 2015 thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được giữa Iran và nhóm nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức), và cứ 120 ngày tổng thống Mỹ sẽ ký gia hạn cho việc miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran. Vì vậy, bên cạnh ảnh hưởng từ sản lượng dầu đá phiến, thỏa thuận này cũng góp phần tạo áp lực giảm lên giá dầu khi sản lượng khai thác của Iran tăng mạnh. 

Tuy nhiên với những bất đồng chính trị giữa Israel và Syria/Iran gần đây kéo theo Mỹ – Nga có thể sẽ gây trở ngại cho việc gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt với Iran. Nếu lệnh trừng phạt bị áp lại, sản lượng dầu Iran có thể sụt giảm 1 triệu thùng/ngày (chiếm hơn 1% nhu cầu Thế giới) và gần bằng mức 1,8 triệu thùng/ngày là cam kết cắt giảm sản lượng từ 01/2017 – hết năm 2018 của OPEC và 11 nước ngoài OPEC.

Thỏa thuận hạt nhân Iran tác động đến giá dầu một phần được phản ánh qua xu hướng dầu hiện tại. Giá dầu WTI đã vượt 70 USD/thùng trong những ngày đầu tháng 5 này, tăng gần 20% so với đầu năm, trong khi dầu Brent thì vượt 73 USD/thùng. Diễn biến giá dầu tăng gần đây chủ yếu do ảnh hưởng từ chiến sự Syria và những thông tin liên quan đến kỳ hạn đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 12/05/2018. Một số chuyên gia nhận định nếu Iran bị áp đặt trừng phạt thì giá dầu có thể lên tiếp khoảng 5 USD/thùng, tuy nhiên cũng sẽ quay đầu giảm nếu thỏa thuận hạt nhân không có gì thay đổi.

Nếu thỏa thuận hạt nhân bị dỡ bỏ, sản lượng dầu thô của Iran được dự báo sẽ giảm từ 250 nghìn – 500 nghìn thùng/ngày trong năm 2018, và lên tới 1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 (chiếm hơn 1% nhu cầu thế giới) và gần bằng mức 1,8 triệu thùng/ngày là cam kết cắt giảm sản lượng từ 01/2017 – hết năm 2018 của OPEC và 11 nước ngoài OPEC. 

Một số nước sản xuất dầu khác có thể tăng nguồn cung thay cho phần thiếu hụt từ Iran là Venezuela, Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Venezuela đang bị đe dọa áp cấm vận Dầu thô từ Mỹ nhằm gây áp lực lên quá trình cải cách dân chủ tại quốc gia này (dầu thô chiếm tới 95% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Venezuela). Saudi Arabia là quốc gia lớn nhất có khả năng điều tiết sản lượng dầu mỏ (chiếm 31% nguồn cung OPEC), tuy nhiên đang trong nỗ lực cắt giảm sản lượng cùng nhóm OPEC nhằm nâng giá dầu. 

Ngoài ra, sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ không thể kéo dài mãi mãi. Trong tháng 1/2018, theo EIA tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 9,96 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng dầu đá phiến là 6,62 triệu thùng/ngày (chiếm 66% tổng sản lượng). Trong các vùng khai thác dầu đá phiến, Bakken, Eagle Ford và Permian là 3 vùng có sản lượng lớn nhất, chiếm lần lượt 18%, 19% và 44% tổng sản lượng dầu đá phiến. Tuy nhiên sản lượng tại Bakken và Eagle Ford đang có xu hướng chững lại, tăng trưởng chủ yếu đến từ Permian (hệ thống đường ống tại đây đang hoạt động ở mức công suất cao, một số ý kiến cho rằng gần hết công suất).

Theo báo cáo khảo sát thực địa của Post Carbon, các giếng đá phiến thường sẽ bị giảm sản lượng 70 – 90% trong 3 năm đầu tiên và cả khu vực sẽ bị giảm sản lượng khoảng 20 – 40% mỗi năm nếu không thêm giếng mới. Bên cạnh đó, đặc thù mỗi giếng đều khác nhau, phần diện tích có trữ lượng tốt thường chỉ chiếm 20% tổng diện tích của cả khu vực khai thác nhưng thường được đưa vào khai thác trước tiên.

Việc tăng sản lượng phụ thuộc vào tái đầu tư và cải thiện công nghệ khoan, tại khu vực Permian, 58% sản lượng đến từ các giếng theo công nghệ khoan ngang sau năm 2011 (số giếng này chỉ chiếm 7% tổng lượng giếng hoạt động, 8% số giếng theo công nghệ khoan dọc có sản lượng chỉ chiếm 5% và 37% sản lượng còn lại đến từ 85% số giếng cũ). Vì vậy chi phí khai thác và sản lượng dầu đá phiến trong những năm về sau có thể sẽ không hiệu quả như giai đoạn trước

Báo cáo của BSC cũng cho biết, nếu Iran bị áp cấm vận, về trung hạn nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh. 

Xét về cung cầu dầu thế giới, năm 2017, tổng nhu cầu dầu thô là 97,1 triệu thùng/ngày và tổng nguồn cung là 96.6 triệu thùng/ngày, thiếu hụt 0,5 triệu thùng/ngày, tồn kho của nhóm nước OECD (bao gồm cả thương mại và SPR) là 4,42 tỷ thùng, số ngày sử dụng hết là 92,6 ngày (số ngày sử dụng hết được tính bằng tồn kho chia cho sản lượng sử dụng trong 1 ngày). 

So sánh với năm 2011 – 2013 (giai đoạn giá dầu trên 100 USD/thùng) thì năm 2011 thiếu hụt 0,5 triệu thùng/ngày, tồn kho OECD là 4,14 tỷ thùng, số ngày sử dụng hết là 90 ngày; năm 2013 thiếu hụt 0,1 triệu thùng/ngày, tồn kho OECD là 4,15 tỷ thùng/ngày, số ngày sử dụng hết là 91 ngày. Do đó, nếu nguồn cung dầu không có đột biến quá mạnh, nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục đi lên.


Năm 2015 thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được giữa Iran và nhóm nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức), và cứ 120 ngày tổng thống Mỹ sẽ ký gia hạn cho việc miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran.

Giữa tháng 1/2018 tổng thống Trump ký gia hạn, theo ông Trump đây là lần cuối cùng thực thi thỏa thuận trừ khi Mỹ và châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận sửa đổi mới trong vòng 120 ngày tới. Hạn chót cho việc quyết định áp trừng phạt lên Iran là ngày 12/05/2018.

Iran là nước có sản lượng dầu mỏ lớn thứ 3 trong nhóm OPEC (sau Saudi Arabia và Iraq), sản lượng trong năm 2017 của Iran ước đạt 3,81 triệu thùng/ngày (chiếm 12% tổng sản lượng năm 2017 của khối OPEC).

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên