MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ-Trung giao đấu: Câu nói của Trump về Covid-19 gợi tình huống mở đường cuộc "giội lửa" Iraq năm 2003

12-05-2020 - 17:19 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của đại dịch Covid-19 trên thế giới.

"Tôi không được phép tiết lộ chi tiết"

"Nhiều người sợ virus corona (SARS-Cov-2)," ông Trump trả lời phỏng vấn hãng Fox News hôm 3/5.

"Đất nước chúng ta vừa phải đối đầu với một cái gì đó thật kinh khủng. Con virus đó đáng ra có thể chặn lại được. Nhưng bọn họ đã quyết định không làm điều đó," tổng thống Mỹ nói, ám chỉ Trung Quốc là tác nhân khiến dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Ông chủ Nhà Trắng nhắc đến từ "Trung Quốc" 50 lần trong cuộc phỏng vấn.

Trump khẳng định Mỹ có bằng chứng virus SARS-Cov-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch đầu tiên của Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, Trump nói ông "không được phép tiết lộ" chi tiết.

Câu chuyện trên gợi đến những sự kiện xảy ra trước khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Ngoại trưởng Mỹ khi đó, ông Colin Powell, phát biểu trước Liên hợp quốc rằng Mỹ có bằng chứng về việc chính phủ Iraq của tổng thống Saddam Hussein sở hữu chương trình vũ khí hóa học tinh vi.

"Tôi không thể tiết lộ tất cả những gì mà chúng tôi nắm được," ông Powell phát biểu. Sau khi Mỹ tấn công Iraq và thanh trừng ông Saddam, các phát hiện thực tế chứng minh Iraq không hề có chương trình vũ khí hóa học nào.

Trung Quốc đến nay bác bỏ toàn bộ cáo buộc từ Mỹ về Covid-19.

Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao xoay quanh nguồn gốc dịch Covid-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đáp trả mạnh mẽ. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 3 lên Twitter nêu nghi vấn quân đội Mỹ "tuồn" virus vào Vũ Hán. Trong khi đó, 27 đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã "cam chịu" để Bắc Kinh kiểm duyệt một văn bản chung đăng trên tờ China Daily.

Không chỉ có các cơ quan tình báo, các chính khách mà cả các luật sư ở khắp nơi trên thế giới quan tâm đến vấn đề, liệu người ta có thể buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch này hay không?

Các nạn nhân của địch bệnh Covid-19 ở bang Florida, Mỹ, đã gửi đơn kiện Trung Quốc. Chính quyền bang Missouri, Mỹ, cũng hành động tương tự nhằm uộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại, trên cơ sở cáo buộc Bắc Kinh tìm cách che đậy "mức độ nghiêm trọng và sự nguy hiểm của sự bùng phát dịch Covid-19 trước toàn thế giới".

 Mỹ-Trung giao đấu: Câu nói của Trump về Covid-19 gợi tình huống mở đường cuộc giội lửa Iraq năm 2003 - Ảnh 1.

(Ảnh: ARTYOM IVANOV / TASS / ACTION PRESS)

Cả Mỹ và Trung Quốc không hứng thú dàn xếp bất đồng

Tạp chí Der Spiegel (Đức) chỉ ra, những vụ kiện như trên hầu như không có triển vọng thành công, vì tòa án nước này không thể tuyên án nước khác. Tuy nhiên theo luật quốc tế thì có thể buộc một nước phải chịu trách nhiệm đối với các sự kiện xảy ra trong lãnh thổ nước đó và tác động đến các nước khác.

Giáo sư về luật quốc tế Đức Frank Schorkopf nói với Spiegel: "Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là nhà nước phải chịu trách nhiệm trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và về nguyên tắc phải bồi thường thiệt hại."

Hiệp hội Henry Jackson Society của Anh dự đoán đại dịch này gây thiệt hại riêng cho các nước G-7 tối thiểu là 3.6 nghìn tỷ euro.

Về lý thuyết thì tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan, chịu trách nhiệm xử lý các tranh chấp quốc tế, ví dụ như liệu Trung Quốc có vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng của mình, được áp dụng trong khuôn khổ các quy định về y tế quốc tế - mà cả Trung Quốc và Mỹ công nhận với tư cách là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo các quy định này thì Trung Quốc phải thông báo cho WHO khi xuất hiện những ca nghi vấn đầu tiên về một loại mầm bệnh mới. Bắc Kinh khẳng định luôn minh bạch và trách nhiệm với thế giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã thông báo với WHO về Covid-19 vào ngày 31/12/2019, cũng như cho phép chuyên gia quốc tế tới Vũ Hán để nắm bắt tình hình.

Theo ông Gian Luca Burci, giáo sư về luật quốc tế ở Geneva, chỉ đơn giản thông báo kịp thời về bùng phát một vụ dịch là không đủ. Ngay cả khi sự bùng phát dịch bệnh được báo cáo kịp thời - theo Burci - và sau đó mới lưu ý về khả năng truyền virus từ người sang người "cũng là một sự vi phạm thỏa thuận".

Bản Quy định về Y tế cũng đề cập đến thủ tục xử lý tranh chấp. Khi không đi đến thống nhất thì các bên tranh chấp có thể đề đạt lên Tổng giám đốc WHO. Vị này có thể cho điều tra độc lập vụ việc thông qua Ủy ban kiểm tra của tổ chức này, theo Pedro Villarreal - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Max Planck về Luật công so sánh và Luật quốc tế tại Heidelberg, Đức.

Điều này đã từng xảy ra trong một vụ bùng phát dịch Ebola. Khi lên đến cấp thứ ba các bên tranh chấp có thể đệ trình lên Tòa trọng tài.

Quy trình như trên có thể diễn ra khi Trung Quốc và Mỹ tán thành giải quyết tranh chấp như vậy. Tuy nhiên, theo Der Spiegel, cả hai nước đều được lợi nhiều hơn từ chính những bất đồng hiện nay.

Trong khi Trung Quốc tạo tiếng vang vì kiểm soát tốt dịch Covid-19 và trở thành nhà bảo trợ hàng đầu cho công cuộc đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới, chiến lược ngoại giao y tế của Bắc Kinh đang thu được những thành quả tốt.

Còn đối với Mỹ, đối đầu với Trung Quốc được cho là giải pháp giúp chính quyền tổng thống Trump "đánh lạc hướng" các vấn đề do Covid-19 gây ra trong nước, như con số thất nghiệp khủng khiếp khoảng 33 triệu người, tác động kinh tế nghiêm trọng, và ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của Trump.

Nhiều đồng minh của Mỹ không tin lập luận của ông Trump

Der Spiegel đánh giá, chiến lược của Nhà Trắng là tung hỏa mù về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của dịch bệnh lây lan tại Mỹ: Các thống đốc bang, WHO, hoặc Trung Quốc.

Phần lớn các đồng minh của Mỹ coi giả thuyết virus SARS-Cov-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là không đáng tin cậy. Washington không đưa ra được bằng chứng, còn lãnh đạo Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (WIV) - cơ sở bị nghi ngờ, cùng các cơ quan chính phủ Trung Quốc, nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Thông thường cơ quan tình báo Mỹ chia sẻ một phần những tin tức của mình cho các thành viên còn lại của nhóm Five Eyes - gồm Australia, Anh, Canada và New Zealand . Tuy nhiên theo báo The Guardian (Anh) thì bộ ngũ này không có thông tin gì về "sai sót" từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Chính phủ Đức tin rằng virus xuất phát từ khu chợ Vũ Hán

Đức cho đến nay vẫn cho rằng SARS-Cov-2 bắt đầu lây lan sang người từ khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán. Tại Berlin người ta hoài nghi về giả thuyết của ông Trump. Ngay cả các cơ quan tình báo Mỹ cũng không muốn xác nhận “thuyết phòng thí nghiệm” của Trump.

Ngay cả Richard Grenell - Đại sứ Mỹ tại Đức, quyền Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, đồng thời là quan chức trung thành với Trump - cũng không khẳng định cáo buộc của tổng thống.

Dù vậy, dường như các cơ quan tình báo Mỹ chịu sức ép từ chính quyền Trump về việc phải tìm ra bằng chứng liên quan đến nguồn gốc của SARS-Cov-2. Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định nước này đã có "bằng chứng vững chắc" về giả thuyết virus rò rỉ ở phòng thí nghiệm.

Đức và các đồng minh khác của Mỹ cảm thấy khó xử trước câu hỏi, trong cuộc tranh cãi này họ phải định vị như thế nào. Trong một ghi chú dành cho nữ Bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, các nhà phân tích cáo buộc tổng thống Mỹ can thiệp một cách có tính toán. Trump tìm cách dùng "thuyết phòng thí nghiệm" nhằm đánh lạc hướng "trước những sai lầm do ông ta gây ra và gây phẫn nộ trong dân chúng Mỹ đối với Trung Quốc".

Cơ quan tình báo Đức BND thì tin rằng Trung Quốc đã yêu cầu WHO trì hoãn thông tin cảnh báo trên thế giới về đại dịch, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/1. BND đánh giá Trung Quốc đã làm thất thoát 4-6 tuần thời gian chống dịch. Tuy nhiên, WHO bác bỏ giả thuyết, và tuyên bố không có cuộc điện đàm nào giữa hai ông vào thời gian kể trên.

Xin mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Theo Xuân Hoài

Tổ quốc

Trở lên trên