Mỹ, Trung Quốc ứng phó lạm phát giá thế nào
Trung Quốc bán dầu từ kho dự trữ quốc gia còn Mỹ siết quản lý với các đơn vị chế biến thực phẩm.
- 27-08-2021Viễn cảnh tồi tệ ở Afghanistan: Cạn kiệt tiền mặt, lạm phát sẽ tăng vọt, ngồi trên "kho báu" 1.000 tỷ USD nhưng chẳng biết bao giờ mới được khai thác
- 26-08-2021Chuỗi cung ứng bế tắc và tình hình chỉ tệ hơn chứ không khá lên: Doanh nghiệp kêu trời, kinh tế thế giới chuẩn bị cho cú sốc lạm phát
- 12-08-2021Ngoài chứng khoán và tiền số, giới siêu giàu thế giới rót tiền vào đâu trong bối cảnh lạm phát?
Đà tăng giá hàng hoá làm dấy lên nhiều lo ngại từ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến cho hai quốc gia liên tục gia tăng các nỗ lực nhằm kiểm soát xu hướng này.
Lần đầu tiên trong năm nay, chính phủ Trung Quốc bán ra thị trường một lượng xăng, dầu từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia, ước tính lên tới 7,38 triệu thùng vào ngày 24/9.
Hành động này nhắm tới mục tiêu “giảm nhẹ áp lực tăng giá nguyên liệu thô”, Cục Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Trung Quốc cho biết trong thông báo hôm 9/9. Cơ quan này “xả kho” kim loại màu ba lần từ tháng 7.
Những can thiệp bất thường từ phía Trung Quốc đối với thị trường cho thấy nền kinh tế quốc gia này đang tăng trưởng chậm lại dưới những tác động của xu hướng tăng giá hàng hoá.
Và khi tình trạng giá thực phẩm tại Mỹ tăng lên, làm ảnh hưởng đến túi tiền của người dân quốc gia này, Tổng thống Joe Biden và chính quyền phải cho đánh giá lại vai trò của 4 nhà sản xuất thịt lớn nhất nước.
Chỉ số Refinitiv/Core Commodity CRB, chuyên theo dõi biến động giá hàng hoá, lên cao nhất 6 năm hôm 15/9. Cũng trong ngày hôm đó, giá các hợp đồng tương lai dầu WTI chốt phiên tại mốc 72,61 USD/thùng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhôm cũng đang ở ngưỡng cao nhất 13 năm qua.
Những áp lực giá trên ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của quốc gia này trong tháng 8 tăng 9,5% so với 1 năm trước đó khiến cho tình trạng lạm phát giá hàng hoá tại cổng nhà máy lên cao nhất 13 năm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đơn vị cảm thấy áp lực nặng nề nhất từ xu hướng tăng giá này, vì năng lực mặc cả của họ không mạnh.
Các loại thịt bày bán trong một siêu thị ở Brooklyn, New York City, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tại Mỹ, Brian Deese, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, chỉ trích 4 nhà sản xuất thịt lớn nhất quốc gia này khi họ đóng vai trò không nhỏ trong việc gia tăng giá thịt bò, thịt lợn và thịt gà, thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
“Khi bạn được chứng kiến sự đồng lòng của họ cao đến mức này, và giá hàng hoá không ngừng leo thang, chúng ta hoàn toàn có thể hoài nghi về động cơ trục lợi trong đại dịch”, ông nói.
Giá thực phẩm tại Mỹ tăng suốt trong năm nay. Giá thịt bò trong tháng 8 cao hơn khoảng 15% so với tháng 12/2020. Thịt đóng góp tới 50% đà tăng giá thực phẩm hộ gia đình tại quốc gia này.
Chính quyền Tổng thống Biden đang đưa các nhà sản xuất thịt vào tầm ngắm. Họ là những đơn vị nằm giữa chuỗi cung ứng kết nối người nông dân và người tiêu dùng. Các quan chức nghi ngờ rằng 4 nhà sản xuất thịt lớn nhất nước đang tận dụng lợi thế thị phần để gia tăng giá hàng hoá.
Các cơ quan nông nghiệp và pháp luật Mỹ đã bắt đầu một cuộc điều tra về nghi vấn ấn định giá bất hợp pháp. Nhiều công ty chế biến thịt gà và lãnh đạo của họ đã bị buộc tội.
Chính phủ Mỹ cũng quan tâm đến tình trạng tăng giá khí đốt. Nhà Trắng hồi giữa tháng 8 yêu cầu Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra các hành vi thao túng giá trái pháp luật. Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia thành viên OPEC và đồng minh, tức OPEC+, gia tăng khai thác dầu thô.
Chủ tịch FTC Lina Khan viết trong thư hồi cuối tháng 8 rằng bà sẽ có những hành động bổ sung nhằm ngăn chặn sự móc nối bất hợp pháp giữa các điểm cung cấp khí đốt bán lẻ, thắt chặt quy trình đánh giá.
“Tôi cảm thấy lo ngại cách tiếp cận của uỷ ban trong việc đánh giá các hoạt động liên kết trong một vài năm gần đây, khiến cho mức độ thông đồng giữa các đơn vị kinh doanh tăng đáng kể, nhất là giữa các cửa hàng năng lượng”, Khan viết. Tổng thống Biden nói ông không muốn có vật cản nào trong nỗ lực làm giảm giá khí đốt.
“Mỹ và Trung Quốc đang có một sự thay đổi lớn trong phong cách quản lý, khẳng định vị thế đang ngày một lớn mạnh của họ”, theo Kazuo Momma, nhà kinh tế học tại Mizuho Research & Technologies.
Chủ nghĩa tự do hoá đang đối mặt với không ít hoài nghi tại Mỹ trong bối cảnh bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng một nới rộng. Nhóm vận động hành lang Business Roundtable trong năm 2019 đã bãi bỏ nguyên tắc “cổ đông là số 1” để bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm nâng cao vị thế của người lao động, cộng đồng và các bên liên quan khác.
Tại Trung Quốc, chính phủ quốc gia nãy đã khởi xướng phong trào “thịnh vượng chung” nhắm tới các công ty công nghệ và giới nhà giàu. Đối với cả Bắc Kinh và Washington, việc hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ đã trở thành một mục tiêu chính trị lớn hơn.
Chưa rõ là những kế hoạch đó có phát huy tác dụng hay không. Tình trạng tăng giá hàng hoá chủ yếu xuất phát từ dịch bệnh, khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy và người lao động thì thiếu hụt. Cho dù đã có những hành động trực tiếp như xả kho dự trữ chiến lược, Bắc Kinh vẫn rất khó để có thể đạt được mức sản lượng hàng hoá có thể làm dịu nhu cầu của thị trường tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới
“Rất khó để dự báo một tác động trực tiếp có thể làm giảm gánh nặng chi phí trên vai các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, theo lãnh đạo một công ty thương mại tại Thiên Tân.
Giá nhôm cũng tăng cao trong thời gian qua, khi cuộc đảo chính tại Guinea đã làm gia tăng mức độ bất ổn tại quốc gia sản xuất boxit lớn nhất thế giới này. Bô xít chính là nguyên liệu để sản xuất nhôm.
Tại Mỹ, một vài nhà phê bình cho biết các hành động Nhà Trắng thực hiện đối với các công ty chế biến thịt, với OPEC+ và các nhà cung cấp khác nhằm ngăn chặn đà tăng giá lại mâu thuẫn trực tiếp đối với các chương trình, chính sách tiền tệ và tài khoá. Việc tung ra một loạt các gói hỗ trợ tài chính đã làm gia tăng nhu cầu của người dân, qua đó góp phần đẩy giá cả lên cao.
Các gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô “là nguồn cơn cho áp lực lạm phát mà chúng ta chưa từng được chứng kiến”, theo cựu thống đốc Fed Larry Summers. Lạm phát chính là động cơ quan trọng, ẩn sâu trong mỗi hành động của Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác.
NDH