MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ từng có luật cấm nhập cư khắc nghiệt hơn sắc lệnh của Tổng thống Trump

06-02-2017 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Đúng ngày này một 100 năm trước, nước Mỹ thông qua luật cấm nhật cư khắt khe nhất thời điểm bấy giờ, cấm cửa người nhập cư tới từ Trung Đông và châu Á thông qua việc tăng thuế, kiểm tra nghiêm ngặt và ngăn chặn hoàn toàn.

Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh tạm thời cấm người nhập cư từ 7 nước, chủ yếu theo đạo Hồi, vào Mỹ vì lý do an ninh. Tuy nhiên, sắc lệnh của ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ trước khi bị Thẩm phán Liên bang James Robart đình chỉ. Tuy nhiên, đây không phải luật cấm nhập cư đầu tiên của nước Mỹ.

Đạo luật Nhập cư cứng rắn năm 1917

Ngày 5/2/1917, nước Mỹ thông qua Luật Nhập cư năm 1917 với những điều khoản vô cùng khắt khe. Theo đó, luật pháp hạn chế những người nhập cư “không phù hợp”, bao gồm nhiều người từ Trung Đông và châu Á. Cụ thể, những trường hợp được coi là “không phù hợp” là người thiểu năng, thần kinh không ổn định tới những người nghiện rượu mãn tính, người bần cùng, người ăn xin chuyên nghiệp hay mắc các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, lệnh cấm năm 1917 cũng chặn những người có tiền sử phạm tội, gái mại dâm, kẻ buôn người cũng như những người ủng hộ việc lật đổ chính phủ Mỹ bằng bạo lực. Những kẻ kêu gọi hoặc ủng hộ việc sát hại sĩ quan hoặc quan chức Mỹ đều không được phép bước chân vào nước Mỹ.


Kiểm tra người nhập cư vào Mỹ. Ảnh: CNN

Kiểm tra người nhập cư vào Mỹ. Ảnh: CNN

Để hiện thực hóa đạo luật, người ta tăng thuế với hầu hết người trưởng thành. Nhà chức trách còn kiểm tra khả năng đọc thông qua việc đưa cho người trên 16 tuổi văn bản bất kỳ và yêu cầu họ đọc.

Luật còn ngăn chặn tất cả người nhập cư tới từ cái gọi là “Vùng Asiatic Barred”, những khu vực hiện nay là Ấn Độ, Afghanistan, Iran, Saudi Arabia, Nga, Đông Nam Á và các đảo châu Á-Thái Bình Dương. Dù người Trung Quốc không nằm trong diện cấm của Luật năm 1917 nhưng họ lại thuộc diện bị loại trừ bởi đạo luật năm 1882. Luật này được bãi bỏ năm 1943, sau khi Trung Quốc trở thành đồng minh trong Thế chiến II.

Nhật Bản và Philippines cũng không nằm trong lệnh cấm nhập cư năm 1917 bởi năm 1907, họ đã tự nguyện hạn chế người di cư tới Mỹ và sau này là các thuộc địa của Mỹ.

Tương tự sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống Trump, Đạo luật Nhập cư năm 1917 ra đời nhằm tạo ra các biện pháp an ninh cần thiết với nước Mỹ. Trong thời kỳ Thế chiến I, an ninh quốc gia là vấn đề được lòng gần như tất cả người dân Mỹ. Chính vì thế, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luận này một cách dễ dàng, trái ngược với những thách thức pháp lý Chính quyền Trump đang phải đối mặt.

Thậm chí, khi Tổng thống Woodrow Wilson phủ quyết Đạo luật Nhập cư năm 1917 vì cho rằng nó vi hiến và trái ngược với các giá trị Mỹ, Quốc hội đã loại bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống. Đạo luật này cũng bị nhiều quốc gia trên thế giới lên án nhưng không thể làm thay đổi quyết tâm của người Mỹ.

Những nét tương đồng với Sắc lệnh của Tổng thống Trump

Ngày 27/1, Tổng thống Trump ký Sắc lệnh đình chỉ người nhập cư từ 7 quốc gia với phần lớn dân số theo đạo Hồi trong 90 ngày, dừng chương trình tị nạn của Mỹ trong 120 ngày và ngừng vô thời hạn với việc nhận người tị nạn Syria vào Mỹ. Theo ông chủ Nhà Trắng, việc làm này là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh gây tranh cãi về người nhập cư sau một tuần ở Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh gây tranh cãi về người nhập cư sau một tuần ở Nhà Trắng.

“Tôi đang thiết lập các biện pháp rà soát mới để ngăn những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan vào Mỹ. Chúng tôi không muốn họ hiện diện ở đây”, Tổng thống Trump phát biểu trong sự kiện ở Lầu Năm Góc. Ngoài ra, ông Trump cũng tuyên bố cắt giảm hơn một nửa số người nhập cư vào Mỹ, đẩy xuống mức 50.000 người so với cam kết 110.000 người. Ông Trump còn tuyên bố thắt chặt an ninh biên giới.

Dù luật Nhập cư năm 1917 sâu rộng hơn so với sắc lệnh của ông Trump nhưng các nhà quan sát cho biết chúng giống nhau ở 3 điểm lớn. Thứ nhất, những người ủng hộ của cả 2 văn bản này đều cho rằng chúng cần thiết cho an ninh quốc gia của Mỹ. Thứ hai, lệnh cấm là một dạng thử nghiệm. Thứ ba, các lệnh cấm dường như phân biệt đối xử với con người dựa trên quốc gia họ tới.

Tác động của những lệnh cấm nhập cư

Khó để nói chính xác những tác động của lệnh cấm nhập cư với nước Mỹ. Tuy nhiên, khi người tị nạn và dân di cư bị cấm vào các quốc gia khác, hiển nhiên họ phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí là tổn hại tới tính mạng. Bên cạnh đó là sự lãng phí tài chính, mất mát tài sản trong quá trình di chuyển. Các nước chủ nhà thì đánh mất nguồn lao động dồi dào cũng như kiến thức và chuyên môn họ mang theo, yếu tố có lợi cho việc phát triển kinh tế.

Với sắc lệnh của ông Trump, nhiều sinh viên có thể lỡ dở chương trình học mà họ đang theo đuổi ở Mỹ. Trẻ em có thể đánh mất cơ hội được chữa trị ở một quốc gia có nền y học phát triển và có thể phải đánh đổi bằng tính mạng. Nhiều gia đình có thể phải ly tán vì không thể gặp gỡ nhau….

Luật Nhập cư năm 1917 đã được sửa đổi bởi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1952, còn được gọi là Đạo luật McCarran-Walter. Theo đó, Mỹ đã loại bỏ các hạn chế về chủng tộc cũng như giảm bớt sự phân biệt giữa quốc gia và khu vực của những người nhập cư. Tuy nhiên, sự phân biệt vẫn còn bởi một số quốc gia được đánh giá là có chất lượng lao động tốt hơn.

Trong khi đó, tương lai sắc lệnh của Tổng thống Trump vẫn chưa thể xác định. Dù Thẩm phán Liên bang James Robart đã đình chỉ nó nhưng Nhà Trắng đang thúc đẩy cuộc chiến pháp lý nhằm bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump.

Linh Anh

CNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên