Năm 2023, ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng dự báo kém "tươi sáng"
Báo chí Mỹ nhận định là những gì đang diễn ra tại CES 2023 đã phần nào cho thấy triển vọng không mấy tươi sáng của ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng trong năm 2023.
- 05-01-2023HSBC: Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu “hạ nhiệt” khi sản xuất hàng điện tử phải nhập khẩu nhiều
- 07-12-2022HSBC: Nhu cầu hàng điện tử thế giới giảm, kinh doanh nhà ở tại Mỹ chững... xuất khẩu Việt Nam sắp bước vào thời kỳ "ngủ đông''?
- 05-08-2022Reuters: Công nhân Samsung Việt Nam trước làn sóng sụt giảm nhu cầu hàng điện tử toàn cầu
Đêm 5/1 (theo giờ Việt Nam), Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng năm 2023 (CES) đã chính thức khai mạc tại thành phố Las Vegas của Mỹ. Triển lãm năm nay được kỳ vọng có quy mô đầy đủ nhất sau giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Là cuộc triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, CES không chỉ là nơi để các hãng sản xuất giới thiệu sản phẩm mới, mà còn phản ánh triển vọng của ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng toàn cầu.
Năm 2022 là một năm đầy khó khăn đối với lĩnh vực công nghệ. Vậy năm 2023 sẽ như thế nào? - đây là câu hỏi được tờ Bưu điện Washington đặt ra trong bài viết đăng tải hôm 3/1 nhân dịp khai mạc Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng CES 2023. Theo bài viết, là một trong những triển lãm thương mại công nghệ lớn nhất thế giới, CES được biết đến nhiều nhất với những màn trình diễn của các tiện ích và thiết bị điện tử tiêu dùng mới nhất đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng những gì diễn ra tại cuộc triển lãm năm nay cho thấy sự vật lộn của lĩnh vực công nghệ với tình trạng sa thải nhân công hàng loạt, nguy cơ suy thoái kinh tế tiềm ẩn và nhiều quy định khắt khe hơn, cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài 3 năm qua vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng của ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng trong năm 2023.
Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng năm 2023 (CES) đã chính thức khai mạc tại thành phố Las Vegas của Mỹ.
Tờ Market Watch dẫn dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng (CTA) của Mỹ cho thấy, năm 2023 sẽ là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu về hàng điện tử tiêu dùng tại Mỹ sụt giảm do nguy cơ suy thoái kinh tế và lạm phát vẫn đang ở mức cao.
Cụ thể, CTA dự báo doanh thu bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tại Mỹ trong năm 2023 ước đạt 485 tỷ USD, giảm 2,4% so với mức ước tính 497 tỷ USD của năm 2022 và giảm 2,9% so với mức kỷ lục 512 tỷ USD đạt được vào năm 2021. Tuy nhiên, kết quả này vẫn cao hơn đáng kể so với mức 435 tỷ USD trước COVID-19.
Hiệp hội các nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Mỹ dự báo năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng nhất định ở một số lĩnh vực. Cụ thể là những công nghệ trang bị cho phương tiện vận chuyển tăng 4%, lên mức 15,5 tỷ USD; lĩnh vực dịch vụ công nghệ phục vụ chăm sóc sức khỏe tăng 9%.
Đáng chú ý là doanh số bán các loại thiết bị trò chơi điện tử cầm tay được dự báo tăng trưởng 41%. Song doanh số máy tính xách tay, màn hình TV LCD, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị trò chơi điện tử sẽ không tăng, thậm chí còn giảm trong năm 2023.
Năm 2023, ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng có triển vọng ít "tươi sáng". Ảnh minh họa.
Với một góc nhìn khác, phân tích của tờ Barron cho thấy sự thay đổi đáng kể về quy mô của cuộc triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới này.
Cụ thể, vào thời điểm hoàng kim nhất là năm 2017, CES thu hút được 184.000 lượt khách đến tham dự. CES năm 2020, chỉ 1 tuần trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, số lượt người tới tham dự vẫn đạt mức 171.000. Mở cửa trở lại sau 1 năm triển lãm trực tuyến, CES năm 2022 chỉ thu hút được 44.000 lượt khách.
Năm 2023, dự kiến sẽ có khoảng 100.000 khách tham dự với tổng diện tích trưng bày là hơn 195.000 m2, giảm đáng kể so với mức 270.000 m2 của năm 2020. Hiện có tổng số 2.800 doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày tại triển lãm song phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Báo chí Mỹ nhận định là những gì đang diễn ra tại CES 2023 đã phần nào cho thấy triển vọng không mấy tươi sáng của ngành sản xuất hàng điện tử tiêu dùng trong năm 2023, khi mà các doanh nghiệp đang phải triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với tương lai bất định của nền kinh tế toàn cầu.
VTV.VN