Nắm rõ tâm lý bầy đàn - Bí quyết thành công của George Soros
Không thể phủ nhận rằng những chuyên gia đầu cơ là những người cực kỳ thông minh và nhạy bén trên thị trường, bởi nếu không có gì nổi bật, họ chẳng thể làm giàu qua một đêm nhờ những quyết định chính xác trong bối cảnh biến động tài chính.
- 21-09-2016"Cánh tay tài chính" của Jack Ma có giá trị cao hơn cả Goldman Sachs
- 21-09-2016John Keynes - Chân dung nhà buôn tiền lừng lẫy đằng sau những học thuyết kinh tế vĩ đại
- 20-09-2016George Soros cam kết dành 500 triệu USD giúp đỡ người tị nạn và di cư
Trên thị trường tài chính, giới đầu cơ thường không nhận được sự chào đón của các quan chức và những nhà đầu tư bởi sự thành công của họ thường đi kèm với sự thua lỗ của một ai đó hoặc của một thị trường nào đó.
Nổi tiếng nhất trong giới đầu cơ hiện nay có lẽ phải kể đến George Soros , ông trùm bán khống người Mỹ gốc Do Thái.
Tỷ phú George Soros thường xuyên đứng trong top 30 người giàu nhất thế giới và quỹ Quantum của ông kiếm được khoảng 39,6 tỷ USD lợi nhuận trong 40 năm qua tính đến năm 2014.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu Soros có 1.000 USD đầu tư năm 1969 thì số tiền này hiện nay sẽ là hơn 4 tỷ USD.
Bất chấp những lời chỉ trích hay phê phán của các quan chức hay những nhà đầu tư khác, chúng ta không thể phủ nhận rằng George Soros làm giàu hoàn toàn hợp pháp và những đồng tiền ông kiếm được cũng không hề dễ dàng.
Câu chuyện của cậu sinh viên Do Thái bị các ngân hàng coi thường
George Soros sinh năm 1930 tại Hungary trong một gia đình Do Thái . Đến năm 13 tuổi, do phát xít Đức công chiếm Hungary nên những đứa trẻ Do Thái như ông không được đến trường. Dẫu vậy, cha mẹ ông vẫn dạy ông học chữ và văn hóa phổ cập.
Đây là thời kỳ khá khó khăn của Soros giống như nhiều người Do Thái khác trước nguy cơ diệt chủng bởi phát xít Đức.
Năm 1947, gia đình Soros di cư sang Anh và để có tiền ăn học tại đại học London, ông đã phải làm nhiều nghề, từ bồi bàn, khuân vác hành lý, bán hàng rong trên phố.
Thậm chí sau khi tốt nghiệp vào năm 1951, Soros vẫn gặp khó khăn khi tìm việc bởi nguồn gốc Do thái của mình. Ông buộc phải làm nghề bán hàng cho một công ty bán buôn dù có mong muốn được làm trong ngành tài chính. Hàng loạt những hồ sơ xin việc của ông không được đáp lời, trong khi nhiều cuộc phỏng vấn xin việc kết thúc trong tủi hổ bởi sự coi thường từ các ngân hàng.
Cuối cùng, nhờ một người đồng hương Hungary mà chàng trai Soros xin được việc trong ngân hàng Singer & Friedlander.
Kể từ đây, George Soros bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành tài chính và dần tỏa sáng với tài năng của mình.
George Soros năm 1930
Thương vụ nổi tiếng nhất của ông là việc bán khống 10 tỷ USD đồng bảng Anh khiến ngân hàng trung ương Anh phải lao đao.
Vào năm 1992, George Soros dùng toàn bộ gia sản của mình, thậm chí còn vay nợ để mua khống Bảng Anh và quy đổi ra đồng Mác Đức. Sau đó đúng 1 tuần, do đồng Bảng Anh không đủ tiêu chuẩn để tham gia quy đổi sang đồng Euro tại Châu Âu theo cơ chế tiền tệ mới khiến đồng tiền này rớt giá thảm hại.
Ngay lập tức, George Soros quy đổi ngược trở lại đồng Mác Đức sang Bảng Anh để trả nợ và lãi thêm khoảng 2 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, ông còn bị cho là đã thu lợi lớn từ cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997 nhờ bán khống đồng Bath Thái Lan.
Năm 2013, nhiều chuyên gia nhận định Soros đã thu lời khoảng 1,2 tỷ USD khi bán khống đồng Yên Nhật nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, khiến đồng nội tệ giảm giá.
Mặc dù thu được nhiều thành công to lớn như vậy, nhưng chính Soros cũng có lúc phải ngậm đắng nuốt cay do tham gia đầu cơ.
Trong cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1987, quỹ đầu cơ của Soros mất khoảng 300 triệu USD do quyết định sai lầm rằng thị trường sẽ còn tăng điểm. Ông Soros cũng mất khoảng 2 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998 và 700 triệu USD trong đợt đổ vỡ chứng khoán bong bóng dotcom năm 1999.
Dẫu vậy, nhà đầu cơ huyền thoại này không hề nản chí và những thành công khác của ông thừa sức bù đắp cho những thất bại trên. Theo Soros, quyết định đúng hay sai không quan trọng mà cái chính là bạn làm ra được bao nhiêu từ quyết định đó và có thể mất bao nhiêu nếu bạn đoán sai.
Bí quyết đầu cơ
Ngay từ thời kỳ 1959-1963, George Soros đã phát triển thuyết phản hồi (Reflexivity) cho rằng thị trường không cân bằng mà chịu ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường.
Theo đó, thị trường không chỉ bị ảnh hưởng bởi cá yếu tố cơ bản như cung cầu mà còn chịu tác động của tâm lý nhà đầu tư, qua đó khiến thị trường trở nên méo mó và tạo nên các đợt tăng giá bong bóng và xì hơi. Nhờ đó, những nhà đầu cơ như Soros mới có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường.
Dưới đây là 8 yếu tố cơ bản mà nhiều chuyên gia đồng ý về phong cách kiếm tiền của George Soros:
1. Bán khống
Không thể phủ nhận George Soros là thiên tài bán khống. Quỹ đầu cơ của ông thường tham gia bán khống với lượng vốn lớn, thậm chí bao gồm nhiều khoản vay, và hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ tiền tệ, chứng khoán, hàng hóa cho đến bất động sản.
Nếu Warren Buffet thường thu lợi bằng cách mua rẻ một tài sản nào đó để đầu tư dài hạn thì Soros sẵn sàng chấp nhận mua tài sản đó với giá cao hơn bởi ông biết giá trị của chúng sẽ còn tăng hơn nhiều so với số tiền bỏ ra.
George Soros cũng không hay đi theo đám đông khi thị trường đi lên. Ông thường bán khống nhờ những dự đoán về thị trường đi xuống. Những thương vụ nổi tiếng của ông như vụ đồng Bảng Anh năm 1992, vụ Bath Thái năm 1998 hay đồng Yên Nhật năm 2013 đều cho thấy George Soros hưởng lợi khi dự đoán thị trường đi xuống.
Trong thập niên 70, khi thị trường chứng khoán toàn cầu gặp khó thì quỹ đầu cơ của Soros vẫn có tỷ suất lợi nhuận là 4.000%, một con số không tưởng. Năm 2007, tỷ suất lợi nhuận của Soros là 32% bất chấp tình trạng khủng hoảng kinh tế diễn ra trên toàn thế giới.
2. Đi ngược lại xu thế
George Soros thường cá cược ngược lại xu hướng thị trường và ông thạm chí còn tuyên bố mình tìm thấy niềm vui khi chống lại đám đông.
Tuy nhiên, Soros cũng thừa nhận phong cách đầu tư này vô cùng nguy hiểm và nhà đầu cơ cần thận trọng khi áp dụng. Theo đó, ông Soros cho rằng những nhà đầu tư theo bầy đàn chỉ gặp nguy hiểm khi thị trường quay đầu, trong khi những nhà đầu cơ mạo hiểm luôn phải chịu áp lực lớn để tìm kiếm thời cơ.
3. Mua “bong bóng”
Mặc dù đi ngược lại xu hướng bầy đàn có thể đem lại lợi nhuận lớn, nhưng Soros cho rằng đôi khi tham gia vào cuộc đua bong bóng thị trường cũng có thể đem lại tiền lãi cho nhà đầu cơ.
“Khi tôi thấy bong bóng thị trường bắt đầu hình thành, tôi cũng sẽ nhanh chóng nhày vào mua và góp phần thổi phồng bong bóng giá”, ông Soros nói.
Ví dụ điển hình của việc này là khi Soros mua vào vàng năm 2010 khi giá kim loại này đã tăng 40% trong năm đó và nhiều chuyên gia nhận định thị trường sẽ “đỏ” trong thời gian tới. Ông Soros mua vàng với giá 1.200 USD/ounce và cho biết vẫn có thể thu lời nếu biết cách bán ra đúng lúc.
Năm 2011, Soros kịp thời bán ra vàng ngay trước khi thị trường này lao dốc ở mức đỉnh 1.900 USD/ounce.
4. Tâm lý bầy đàn
George Soros không tin vào lý thuyết kinh tế truyền thống với luận điểm thị trường luôn được điều chỉnh hiệu quả bởi các yếu tố cơ bản.
Theo ông, chính những người tham gia thị trường có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô và ngược lại. Ví dụ như tâm lý tích cực của người tiêu dùng sẽ đẩy giá sản phẩm tăng, qua đó thúc đẩy thương mại và khiến tăng thu nhập, nhờ đó tác động tích cực ngược trở lại tiêu dùng.
Trên thị trường tài chính, điều tương tự cũng diễn ra khi tâm lý nhà đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng và một nhà đầu cơ giỏi cần nhạy bén phán đoán được tâm lý thị trường chứ không thể đơn thuần dựa vào các bảng phân tích, số liệu hay những lý thuyết khô khan.
5. Bản năng dã thú
Theo con trai của George Soros, ông Robert Soros, nhà đầu cơ huyền thoại này đôi khi ra quyết định dựa trên bản năng nhạy bén của mình.
Nói cách khác, chính kinh nghiệm đầu cơ lâu năm của Soros đã giúp ông có một trực giác nhạy bén khi có điều gì đó không ổn trong danh sách đầu cơ của mình.
“Cha tôi thường ngồi giảng giải những nguyên nhân khiến ông làm thế này thế kia khi tôi còn nhỏ, nhưng tôi nhớ rằng hầu như một nửa những lý do đó thật kỳ cục. Ví dụ như việc ông thay đổi quyết định mua bán một cổ phiếu là do cái lưng của ông bị đau và đây là dấu hiệu của điều gì đó không đúng đang diễn ra”, ông Robert Soros nói.
6. Cược lớn
Ông Stanley Druckenmiller, người quản lý tiền cho Soros trong thập niên 90 đã từng có đề nghị chuyên gia đầu cơ này mua từ từ Bảng Anh năm 1992 để đề phòng trường hợp thua lỗ. Tuy nhiên, Soros không đồng ý và cho rằng nếu xác định dự đoán là đúng thì nhà đầu cơ nên cược lớn.
Đối với Soros, nếu dự đoán của mình là chính xác thì bất kể phải vay mượn hay bị mọi người chế giễu, ông cũng quyết thực hiện mục tiêu mà mình đề ra bởi kẻ chiến thắng thì không sợ điều gì cả.
7. Học hỏi từ thất bại
“Tôi giàu có bởi vì tôi biết khi nào mình sai”, ông Soros nói.
Rõ ràng, George Soros không sợ thất bại cũng như sự nhục nhã hay chế giễu của mọi người khi một số thương vụ khiến ông mất hàng tỷ USD. Đối với Soros, mỗi thất bại là một bài học và ông có thể dễ dàng bước qua chúng để đi tiếp đến thành công.
“Con người không thể biết mọi thứ và chả có gì là xấu hổ khi mắc phải sai lầm. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi không thể học hỏi và sửa chữa từ những sai lầm đó”, ông Soros nói.
8. Khó bắt chước
Nhiều nhà đầu tư hiện nay hô hào học tập theo Warren Buffett bởi phong cách đầu tư của ông khá dễ học. Trong khi đó, nhiều nhà đầu cơ bắt chước Soros phải chịu cảnh nghèo khổ và nợ nần.
Việc nhảy vào thị trường khi bong bóng phồng lên, thoát ra trước mức đỉnh, bán khống hay đi ngược lại xu thế là những điều vô cùng khó thực hiện. Không phải ai cũng có thể làm được như những gì Soros đã làm, dù người đó có kinh nghiệm và sự nhạy bén đến đâu đi chăng nữa.
Một lần, Soros đã hỏi chuyên gia đầu tư Byron Wien, đồng thời cũng là một người bạn của ông rằng tại sao anh này không đi làm có lựa chọn vào những lúc có cơ hội kiếm lời thay vì phải theo dõi thị trường hàng ngày? Anh trả lời:
“George, một trong những điều khác biệt nhất giữa ông và tôi là ông biết khi nào cơ hội kiếm lời đến còn tôi thì không.”
Trí thức trẻ/CafeBiz