MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nằm trong vùng lõi khu vực tam giác phát triển, ngã ba Đông Dương, tỉnh này sẽ ra sao trong những năm tới?

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh, tỉnh còn có nhiều điểm yếu, khó khăn là rào cản, thách thức lớn trong quá trình xây dựng và phát triển.

Là một tỉnh ở cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên, Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên gần 10 nghìn km2. Có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, với 9 huyện, 1 thành phố; 102 xã, phường, thị trấn, trong đó có 13 xã biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia.

Dân số năm 2022 của Kon Tum là gần 580 nghìn người, quy tụ 43 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 54%.

Từ một địa phương lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực vươn lên và đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực như quy mô kinh tế tỉnh ngày càng được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2011 - 2020; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2020 đạt 24 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 59/63 tỉnh thành cả nước. Tổng thu nhập bình quân đầu người trên 43 triệu đồng/năm, đứng thứ 53/63 tỉnh thành.

Tỉnh Kon Tum có các tiềm năng và lợi thế đặc thù như nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, Núi - Biển.

Tỉnh có quan hệ mật thiết với các thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Pleiku, Quy Nhơn và A Ta Pư (Lào); nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây (Biển và lục địa) và vòng cung kinh tế Duyên hải Trung bộ.

Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sông ngòi rất thuận lợi trong việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; phát triển thủy điện và du lịch; Có lợi thế so sánh về Thủy điện với tiềm năng lớn.

Nằm trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển, ngã ba Đông Dương, tỉnh này sẽ ra sao trong những năm tới? - Ảnh 1.

Từ điểm cao núi Chư Hreng nhìn về thành phố Kon Tum. Ảnh: NGUYỄN BAN

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Kon Tum còn có nhiều điểm yếu, khó khăn là rào cản, thách thức lớn trong quá trình xây dựng và phát triển như điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng kết nối đối ngoại và các liên kết lãnh thổ, liên kết phát triển; trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tổ chức không gian lãnh thổ phát triển "độc cực", mất cân đối; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chậm. Việc giữ chân nguồn lao động chất lượng cao là điểm nghẽn kéo dài của tỉnh về năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đến nay, Kon Tum vẫn là tỉnh còn nghèo và nguy cơ tụt hậu trong các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (GRDP 2023 đứng thứ 5/5 tỉnh trong vùng và đứng thứ 58/63 tỉnh trong cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng đứng thứ 4 vùng Tây Nguyên, thứ 53 cả nước, thu hút đầu tư đứng thứ 52/63, thu ngân sách đứng thứ 55/63 tỉnh thành).

Do đó, để tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế hiện có giúp địa phương phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh Kon Tum đã xác định "Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định - bền vững

Theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Kon Tum, tỉnh đưa ra 6 quan điểm phát triển với mục tiêu tổng quát là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định - bền vững và công bằng.

Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Nằm trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển, ngã ba Đông Dương, tỉnh này sẽ ra sao trong những năm tới? - Ảnh 2.

Nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn. Trong đó, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; Đô thị thông minh và Nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; Công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển; 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; phát triển 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang Kinh tế - Kỹ thuật - Đô thị; 3 trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: Thành phố Kon Tum, khu du lịch Măng Đen và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tin tưởng, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ tạo được dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai, phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, giúp Kon Tum phát triển nhanh và bền vững dựa trên các nền tảng phát triển đặc trưng về tiềm năng phát triển du lịch, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; Phát triển nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao; Phát triển công nghiệp có chọn lọc gắn với phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.



Theo Pha Lê

Phụ nữ số

Trở lên trên