MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ẩn họa từ bình gas giả

22-05-2013 - 13:24 PM |

Bình gas giả, gas lậu được ví như những… quả bom chờ nổ. Các vụ sang chiếu ga lậu, ga giả không có dấu hiệu giảm; đồng nghĩa với việc tính mạng, tài sản của người tiêu dùng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo thống kê của Chi hội gas miền Nam, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, từ đầu năm 2013 đến nay đã phát hiện hàng chục ngàn bình gas giả, gas lậu được vận chuyển, kinh doanh trái phép. Đáng chú ý, các vụ vi phạm không có dấu hiệu giảm; đồng nghĩa với việc tính mạng, tài sản của người tiêu dùng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hoán cải bình, chiết nạp lậu

Các doanh nghiệp (DN) chuyên doanh gas cho biết, trong những năm gần đây hiện tượng hoán cải bình gas, chiết nạp trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp… gây thiệt hại nặng nề cho DN, người tiêu dùng (NTD). Đáng chú ý, hiện tượng hoán cải bình gas ngày càng nhiều.

Cụ thể, đối tượng có những “lò sản xuất” chuyên trách nhiệm vụ mài mòn vỏ bình phần thương hiệu dập nổi, sau đó đắp thương hiệu mới lên, sơn lại đồng thời cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới. Ngoài ra, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này ráp vào bình thương hiệu khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sau đó cho ra lò một bình gas với thương hiệu lạ.

Từ đây, các DN sản xuất, kinh doanh chân chính rơi vào thế “khó đỡ” là đứng ra giải quyết hậu quả của những đối tượng sang chiết lậu, mạo danh hàng chính hãng. “NTD tìm đến chúng tôi, nhưng họ đâu biết rằng bình gas họ đang dùng là bình dỏm; gas trong bình là gas sang chiết lậu…” - chủ một DN chuyên doanh gas thương hiệu tại TPHCM bức xúc cho biết.

Theo các DN, việc đầu tư vào vỏ bình gas chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản DN. Vì vậy, những DN thiếu khả năng không dám hoạt động trong lĩnh vực này. Để nhanh chóng kiếm lời, đối tượng buôn lậu chọn cách chiếm dụng vỏ gas của các thương hiệu uy tín; hoán cải, giả mạo vỏ gas… nhằm trục lợi phi pháp. Đó là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nổ, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.

“Đối tượng sang chiết lậu không cần đầu tư vỏ chai, không bảo dưỡng, kiểm tra việc sang chiết định kỳ, đẩy trách nhiệm cho các DN làm ăn chân chính. Gas lậu đang giết gas thật!” - ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng kinh doanh gas Saigon Petro cho biết.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong quý 1-2013, các đội QLTT đã kiểm tra, xử phạt hàng chục vụ vi phạm về chiết nạp trái phép, không giấy phép kinh doanh gas…

Chi hội gas miền Nam cũng cho biết, đầu năm 2013, cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra, phát hiện hai trạm chiết nạp gas trái phép với quy mô lên đến hàng chục ngàn bình gas giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Số hàng này chuẩn bị đem đi tiêu thụ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn thu giữ rất nhiều vỏ bình gas, niêm màng co, tem chống giả dỏm.

Tác hại khó lường 

Hàng loạt vụ cháy, nổ gas kinh hoàng trong thời gian gần đây là bài học đắt giá cho NTD lẫn DN sản xuất, kinh doanh gas. Chẳng hạn, vụ nổ bình gas mini tại phòng trọ của hai vợ chồng ở Bình Dương vào giữa tháng 4-2013 khiến cả hai bị bỏng nặng tới 40% cơ thể. Hay vụ nổ bình gas trên tàu cá tháng 3-2013, gần xã Thổ Châu, Phú Quốc (Kiên Giang) khiến ngư dân Hồ Văn Mén ngụ tại Bình Định bị thương nặng.

Hai người con trai ông Mén, một bị chết, một mất tích trong vụ nổ. Kinh hoàng hơn, vụ sập ngôi nhà hai tầng cuối năm 2011 tại Hà Nội làm chết hai cháu bé gây chấn động dư luận.

Theo ông Chu Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH MTV phân phối khí đốt gas Thủ Đức (quận Thủ Đức, TPHCM), thực trạng gas giả trên thị trường đã tồn tại từ lâu, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Về phía NTD, gas giả, gas lậu làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Về phía DN, gas giả gây thiệt hại lớn về kinh tế. Lãnh đạo một số công ty kinh doanh gas cho biết, những lúc lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, mãi lực trên thị trường gas tăng khoảng 20%. Ngược lại, khi cơ quan chức năng lơ là, tình trạng gas giả, gas lậu bùng phát, mãi lực gas giảm tới 10% - 15%.

Tình trạng gas giả, gas lậu tràn lan trên thị trường đã tới mức báo động. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, còn “đẩy đưa”, nhẹ tay xử lý các đối tượng vi phạm.

Trước thắc mắc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM. Ông Kiếm cho rằng, QLTT rất cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng để góp phần lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như DN làm ăn chân chính.

“Thực tế, chúng tôi vẫn kiểm tra, có hình thức xử phạt cụ thể, đúng quy định các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh, sản xuất gas lậu, gas giả chứ không nương tay. Tuy nhiên, trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng này, chúng tôi sẽ đề ra phương án kiểm tra, xử phạt rốt ráo hơn” - ông Phan Hoàn Kiếm khẳng định.

Rõ ràng, với tình trạng gas giả, gas lậu tràn lan trên thị trường như hiện nay, NTD chưa được bảo vệ như quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và luôn phải đối diện với hiểm nguy.

Theo thống kê của một DN kinh doanh gas tại TPHCM, có khoảng 35% bình gas lưu hành trên thị trường là giả. Tuy nhiên, đại diện một số DN lại cho rằng, con số này còn lớn hơn nhiều, ước tính trên 50% bình gas dân dụng đang lưu hành là giả mạo.

Theo Thi Hồng

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên