MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm khiến cho giá điện ít có khả năng tăng 9,5% trong tháng 12

17-12-2014 - 11:26 AM |

Các nhà máy nhiệt điện chạy khí hiện chiếm khoảng ¼ tổng công suất phát điện cả nước.

EVN đã có đề xuất xin Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá điện với mức giá bình quân tăng 9,5%; từ mức hiện tại là 1.508,85 đồng/kWh lên 1.652,19 đồng/kWh.

Nhận định về vấn đề này, công ty chứng khoán HSC cho rằng động thái xin tăng giá chủ yếu xuất phát từ giá đầu vào chính sản xuất điện tăng, theo đó giá thành bình quân của EVN đã tăng lên khoảng 1.502đ/KwH; nghĩa là đơn vị này lỗ 11đ/KwH trong năm 2014.

HSC cho rằng mặc dù EVN đã xin tăng giá điện thì ít có khả năng giá điện sẽ tăng trong tháng 12 vì giá dầu đã giảm mạnh. Ngoài ra, EVN cũng đã xin tăng giá điện nhiều lần mà không được chấp thuận, thậm chí là cả khi giá dầu chưa giảm mạnh. Và dù sao thì việc xin tăng giá điện 9,5% là khó thuyết phục vì giá thành sản xuất điện đã và đang liên tục giảm kể từ mùa hè. Về ngắn hạn đề xuất tăng 5% trở xuống có lẽ sẽ dễ được chấp thuận hơn.

Tuy vậy, HSC lại cho rằng đề xuất xin tăng 9,5% giá điện của EVN có thể có nhiều cơ hội được chấp thuận hơn vào tháng 3/tháng 4 năm sau, là thời điểm Vinacomin dự định tăng giá than bán cho các đơn vị sản xuất điện thêm khoảng 10-12%. Theo đó, EVN chắc chắn sẽ xin tăng tăng giá điện.

Tuy nhiên trong trường hợp đề xuất xin tăng giá điện lần này được chấp thuận thì giá mới sẽ thấp hơn khoảng 11,06% so với trần khung giá điện bình quân là 1.835đ/KwH giai đoạn 2013-2015, được quy định trong Quyết định 2165/QĐ-TTg, ban hành ngày 11/11/2013. Nghĩa là vẫn còn dư địa để tăng giá điện thêm khoảng 10% vào năm 2015.

Nguồn: EVN

Các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí dầu mỏ làm nguyên liệu phát điện là 1 trong ba nguồn phát điện chính của Việt Nam, bên cạnh thủy điện và nhiệt điện than.

Theo báo cáo thường niên của EVN, tính đến cuối năm 2013, các nhà máy thủy điện chiếm gần ½ tổng công suất phát điện của cả nước. Các nhà máy điện dùng khí và dùng than có công suất tương đương nhau, đạt hơn 7.000 MW, mỗi loại chiếm gần ¼ tổng công suất toàn hệ thống.

Các doanh nghiệp nhiệt điện khí chủ yếu mua khí từ PV Gas theo những hợp đồng dài hạn nên giá đầu vào sẽ không thay đổi ngay lập tức. Tuy nhiên, với việc giá dầu lao dốc như thời gian vừa qua thì chắc chắn sẽ có phụ lục điều chỉnh giá khí đầu vào.

Trong số hơn 7.000MW phát điện bằng tuabin khí thì EVN sở hữu 2.851 MW (gồm Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4 và Nhiệt điện Bà Rịa); PVN sở hữu 2.757 MW (Nhơn Trạch 1&2, Cà Mau 1&2) và 2 nhà máy điện BOT (Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3) có công suất 1.466 MW...

Kiến Khang

duchai

Tài chính Plus

Trở lên trên