MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện ngất ngưởng: Khách trọ than trời

23-08-2013 - 10:48 AM |

Hàng loạt chủ nhà tại các khu trọ đông đúc trên địa bàn Hà Nội đang tăng giá điện cho thuê lên mức ngất ngưởng, khiến đời sống khách thuê trọ càng thêm chật vật.

5.500 đồng/kWh

Đi làm mới được vài năm với mức lương ba cọc ba đồng, anh Đào Văn Tú đang ở trọ khu vực Cầu Diễn (Từ Liêm) nhẩm tính: Phòng anh chỉ dùng những đồ điện thiết yếu như bóng đèn, nồi cơm điện, quạt bàn, tủ lạnh, tiết kiệm lắm mỗi tháng anh cũng hết khoảng 90 kWh.

Với mức giá điện hiện tại chủ nhà trọ thu là 4.000 đồng/kWh, mỗi tháng anh mất 360.000 đồng tiền điện. Vừa rồi, bà chủ trọ lại thông báo, từ tháng 8 sẽ tăng giá điện lên 5.000 đồng/kWh, như vậy số tiền điện anh phải chi đội thêm gần 100.000 đồng, lên mức 450.000 đồng/tháng. Lý do bà chủ đưa ra là, Nhà nước tăng giá nên giá điện cho thuê trọ cũng phải tăng theo để bù lại.

Anh Tú tính toán, lương hiện tại của anh trừ bảo hiểm xã hội chỉ còn ngót nghét 2 triệu đồng. Vậy là tiền điện ngốn gần hết một phần tư lương. Ngán ngẩm, anh Tú chia sẻ, hầu như khu trọ nào giá điện cũng bị tính thế cả, chuyển chỗ chỉ mất thời gian nên anh đành “bấm bụng”.

Đối với các hộ gia đình phải thuê trọ, tác động của việc điện tăng giá càng rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (trọ tại khu vực Dịch Vọng-Cầu Giấy) cho biết: Hai vợ chồng chị đều là viên chức Nhà nước, tổng mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà mất khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

Do có con nhỏ nên nhà chị sử dụng khá nhiều điện, mỗi tháng khoảng 350 KWh với mức giá chủ nhà quy định là 4.500 đồng/kWh. Từ tháng 8, chủ nhà trọ cũng tăng giá lên 5.500 đồng/kWh. Như vậy, riêng điện thôi, nhà chị cũng đã mất xấp xỉ 2 triệu đồng.

Theo chị Hằng, năm trước, khi điện tăng giá 5%, chủ nhà trọ cũng đã tăng từ 3.500 đồng/kWh lên 4.500 đồng/kWh. Năm nay, giá điện Nhà nước lại tăng thêm 5%, chủ nhà cũng nhanh chóng điều chỉnh giá. Biết là vô lý, phải sử dụng điện giá cao nhưng đành chịu.

Cách mà gia đình chị Hằng lựa chọn là tăng cường tiết kiệm điện cùng nhiều chi phí khác. “Kêu ca mãi cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, giờ nhà tôi sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, dùng điều hòa hạn chế hơn, bình nóng lạnh thì khi nào sử dụng mới bật chứ không để cả ngày như trước…, nói chung là tiết kiệm tối đa những thứ có thể. Đồng thời, tôi cũng tìm mối, tập tành buôn bán thêm đồ trên mạng để có thêm thu nhập, bù vào các khoản chi tăng lên”, chị Hằng bộc bạch.

Ai xử phạt?

Thông tư 19/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện nêu rõ: Đối với trường hợp hộ gia đình đi thuê, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký HĐMBĐ để mỗi hộ được tính một định mức điện theo đúng giá quy định.

Đối với trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Trường hợp người thuê nhà không đăng ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Nếu theo quy định nêu trên, người thuê trọ hoàn toàn có thể sử dụng điện với đúng mức giá mà Nhà nước quy định. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù mỗi năm khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định giá điện đều đã đề cập tới điều này, nhưng thực tế việc bán điện giá cao tại các khu trọ vẫn diễn ra. Nhiều người thuê trọ thậm chí không biết vẫn tồn tại một quy định bảo đảm quyền lợi cho mình như vậy. Nếu có biết, họ cũng tặc lưỡi cho qua bởi lo ngại những thủ tục nhiêu khê trong quá trình thực hiện cũng như thái độ thiếu hợp tác của chủ nhà trọ.

Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: Gia đình chị cũng đã tìm hiểu về quy định trên để mong được hưởng giá điện hợp lý. Tuy nhiên, khi đề cập với chủ nhà trọ, chị lại nhận được câu trả lời khá rành rọt rằng, ở đây áp dụng mức giá đó, không cho phép nhà nào lắp công tơ riêng gì cả. Nếu gia đình không ở được thì có thể chuyển đi chỗ khác.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ của hàng trăm căn phòng cho thuê theo kiểu chung cư mini tại khu vực Thanh Xuân cho biết: Giá điện càng dùng nhiều càng đắt, thông thường bao giờ gia đình ông cũng phải chịu mức đắt nhất. Bởi vậy, Nhà nước tăng giá điện là gia đình ông cũng phải tăng ngay để tránh chịu thiệt. Về việc tạo điều kiện để người thuê nhà được lắp công tơ riêng và hưởng giá điện theo đúng nhu cầu sử dụng, ông Phúc khẳng định sẽ không đồng ý.

Theo ông Phúc, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng một khu trọ, hệ thống điện, nước đã được gia đình ông lắp đồng nhất. Không thể vì yêu cầu của hộ này, hộ kia mà thay đổi lung tung được. Đó là chưa kể, hầu hết các phòng đều chỉ là ở thuê tạm thời, nay người này chuyển, mai người kia chuyển, thiếu ổn định, nếu đối với ai gia đình ông cũng đáp ứng yêu cầu thì sẽ không quản lý nổi khu trọ. “Trọ ở đâu cũng thế cả thôi. Nếu ai không muốn ở tôi cũng không giữ, chỉ cần báo trước khoảng nửa tháng và nộp đủ các khoản chi phí là có thể chuyển”, ông Phúc cho hay.

Theo Bộ Công Thương, trách nhiệm quản lý giá bán điện này được giao cho các Sở Công Thương. Ấy thế mà, suốt bao lâu nay, sai cứ sai, chẳng mấy khi thấy có người đi phạt và bị phạt. Dân chịu thiệt thì dân cứ kêu, còn các quy định, Thông tư chưa biết tới bao giờ mới thực sự đi vào cuộc sống.  

Theo Uyển Như

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên