MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không khắc phục sự cố điện trong 2 giờ, phạt 6-8 triệu đồng

17-06-2013 - 14:58 PM |

Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, bao gồm cả lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Theo đó, nhiều hành vi từ ăn cắp điện tới điện lực trì hoãn việc bán điện cho dân sẽ bị xử phạt khá nặng.

Theo dự thảo nghị định mà Bộ Công thương vừa công bố, sẽ xử phạt tổ chức cá nhân từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, thi công công trình điện.

Để bảo vệ quyền lợi người dân, dự thảo Nghị định nêu rõ sẽ phạt tiền đơn vị phân phối điện từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu không kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế thiết bị đo đếm điện sau 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của bên mua điện;

Không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện (mà không có lý do chính đáng).

Các đơn vị phân phối điện sẽ bị phạt từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo trước theo quy định.

Đơn vị bán lẻ điện cũng bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu không ký hợp đồng mua bán điện sau 7 ngày làm việc (mà không có lý do chính đáng) kể từ khi bên mua điện cho mục đích sinh hoạt đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Tổ chức, người dân cũng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu gây hư hại, tự ý di chuyển, làm sai lệch hệ thống đo đếm điện (kể cả hòm bảo vệ côngtơ, các niêm phong…). Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại, sai lệch thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.

Với đơn vị phát điện, để tránh độc quyền, dự thảo nghị định lần này quy định rõ sẽ phạt tiền đến 5% tổng doanh thu (của năm tài chính trước năm có hành vi vi phạm) nhưng không vượt quá 100.000.000 đồng đối với đơn vị phát điện có tổng công suất các nhà máy điện lớn hơn 25% hệ thống điện (tính trên các nhà máy có công suất lớn hơn 30 MW trở lên).

Đáng lưu ý, dự thảo nghị định lần này còn quy định mức phạt rất cao như: phạt tiền 100.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không loại bỏ các tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp theo lộ trình.

Phạt tiền 100.000.000 đồng đối với hành vi cố ý xây dựng mới tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp mà Thủ tướng Chính phủ quy định không được xây dựng.

Đặc biệt, việc nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải… cũng sẽ bị phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung. Như trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ có thời hạn; tạm giữ phương tiện, thiết bị vi phạm; tịch thu các tang vật, phương tiện, thiết bị bị tẩu tán…

Ngoài các hình thức xử phạt tiền và xử phạt bổ sung thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm; buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; buộc chia tách đơn vị phát điện có tổng công suất đặt các nhà máy điện trên 25% tổng công suất toàn hệ thống…

Thời hiệu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là 1 năm; đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Theo Cầm Văn Kình

khanhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên