MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miền Nam lại lo thiếu điện

17-09-2013 - 09:44 AM |

Tuy mưa to liên tục trong những ngày qua, Bộ Công thương và ngành điện vẫn cảnh báo nguy cơ nguồn cung điện mùa khô 2014 rất căng thẳng do thủy điện đã “già nua”, trong khi nhiều dự án chậm tiến độ.

Thiếu nguồn dự phòng

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay, nếu không liệt kê các nhà máy thủy điện nhỏ, toàn hệ thống có 89 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất là 25.565MW. Dự kiến đến cuối năm 2013, có thêm 1.283,5MW công suất mới được đưa vào vận hành. 

Như vậy, các tháng cuối năm, hệ thống vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải với mức tăng trưởng dự báo cho cả năm là 11,1%. EVN dự kiến, từ tháng 11-2013, sẽ huy động cao các nguồn nhiệt điện để tích nước và giữ nước các hồ thủy điện, phục vụ phát điện mùa khô 2014. 

Còn phụ tải hệ thống năm 2014 được dự báo tăng trưởng là 12,59% với sản lượng điện toàn hệ thống ước đạt 150,5 tỷ kWh, Pmax là 23.627MW. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng mới 15 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt là 4.031MW, nâng tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống lên 33.017MW. 

Nếu nhìn vào tổng thể của tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống với con số vượt trên 33.000MW, trong khi phụ tải hệ thống năm 2014 với sản lượng điện toàn hệ thống Pmax hơn 23.600MW sẽ bớt lo ngại về nguồn cung. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, đến thời điểm hiện nay thủy điện đã gần như hết tiềm năng khai thác, do đó miền Nam sẽ đối mặt tình trạng thiếu điện. Tương tự, EVN cũng cho biết, hiện hệ thống hầu như không có dự phòng năng lượng vào mùa khô. 

Do đó, tình hình mất cân bằng cung cầu của hệ thống điện miền Nam năm 2014 sẽ rất nghiêm trọng. Chưa kể, một loạt các công trình nguồn điện ở miền Nam bị chậm tiến độ cũng sẽ “góp phần” làm gia tăng nguy cơ thiếu nguồn cung vào mùa khô năm tới. 

Trong đó, nổi bật là đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (đường dây 500kV mạch 3) do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 9.288 tỷ đồng, có tổng chiều dài 437,5km, gồm 926 vị trí móng và chạy dài qua 6 tỉnh, thành phố gồm: Pleiku, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TPHCM.

 Nhiều trở ngại

Theo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, hiện nay công trình đang vào giai đoạn nước rút, nhưng do thời tiết Tây Nguyên không thuận lợi, đang vào mùa mưa nên việc thi công hết sức khó khăn. 

Để đường dây này đưa vào vận hành đúng tiến độ, một loạt công trình lưới điện 220kV, 500kV ở phía Nam cũng phải gấp rút đóng điện trong tháng 9 này. Ngoài ra, hàng loạt dự án như: Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW với tổng giá trị là 1,2 tỷ USD;

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 có tổng công suất lắp đặt 1.244MW, tổng mức đầu tư trên 28.463 tỷ đồng hay Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4... đang thiếu vốn nghiêm trọng. Do vậy, nguy cơ chậm đưa vào khai thác cũng sẽ gây nguy cơ thiếu nguồn cung điện vào các năm tới lên cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, phải xây dựng được 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, 2 nhà máy điện nguyên tử và một số dự án thủy điện. Số vốn đầu tư cho các dự án trên khoảng 50 tỷ USD do 3 tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước thực hiện gồm PVN, EVN và TKV. 

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đang rất chậm do nhiều nguyên nhân, trước hết là khâu chỉ đạo, điều hành và tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, nguồn than để cung cấp cho các nhà máy nói trên sẽ cần khoảng 50 - 60 triệu tấn than/năm, trong khi năng lực ngành than mới đạt khoảng 40 triệu tấn/năm. Đây là những vấn đề nan giải, do vậy nếu không sớm có chính sách, giải pháp kịp thời, việc thiếu nguồn cung điện không chỉ xảy ra trong mùa khô năm 2014, mà còn “lây lan” sang những năm tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế phục hồi, sản lượng điện tăng đột biến sẽ gây nhiều xáo trộn trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Theo Lạc Phong

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên