MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ điều chỉnh tăng thuế 3 nhóm tài nguyên

31-05-2013 - 09:19 AM |

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên được Bộ Tài chính tập trung vào 3 nhóm tài nguyên là: nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 928/2010/ UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Theo dự thảo này, thuế suất thuế tài nguyên của khá nhiều loại khoáng sản sẽ có sự thay đổi từ 1-1-2014 (nếu Nghị quyết được thông qua). Với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 508,6 tỷ đồng (giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi).

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên được Bộ Tài chính tập trung vào 3 nhóm tài nguyên là: nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm khoáng sản kim loại, theo Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, nhóm khoáng sản kim loại bao gồm 13 loại, với 4 mức thuế suất là: 10% (sắt; bạch kim; bạc, thiếc; wolfram, antimoan; chì, kẽm; đồng, niken; coban, molipden, thủy ngân, magie, vanadi và khoáng sản kim loại khác), 11% (mangan và titan), 12% (nhôm và bauxite) và 15% (vàng và đất hiếm).

Để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, Nghị quyết sửa đổi dự kiến nâng thuế suất của một số loại tài nguyên. Cụ thể, thuế suất của sắt, đồng, niken tăng từ 10% lên 15%; titan từ 11% lên 16%; vàng từ 15% lên 25%; wolfram, antimoan từ 10% lên 18%.

Nhóm khoáng sản không kim loại trong Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên bao gồm 22 loại, với nhiều mức thuế suất khác nhau, thấp nhất là 3% (apatit, secpentin) và cao nhất là 22% (kim cương, rubi, saphire). Đa số các khoáng sản thuộc nhóm này được giữ nguyên mức thuế hiện hành do việc khai thác đang gặp nhiều khó khăn. 

Riêng các loại tài nguyên sử dụng để sản xuất một số sản phẩm đã được cải tiến, thay thế như gạch làm từ đất sét nung (có thể thay thế bằng gạch không nung) cần thiết phải điều chỉnh tăng mức thuế suất để khuyến khích sử dụng sản phẩm thay thế. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất của đá, sỏi từ 6% lên 7%; cát từ 10% lên 11%; đất làm gạch từ 7% lên 10%.

Để đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, Bộ Tài chính đề nghị chỉ tách nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh làm 2 nhóm là sử dụng để sản xuất nước sạch và sử dụng cho mục đích khác. Trường hợp sử dụng để sản xuất nước sạch, Bộ Tài chính giữ thuế suất thuế tài nguyên như hiện hành là 1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân, không ảnh hưởng đến giá nước sạch hiện nay.

Trường hợp sử dụng cho mục đích khác, Bộ Tài chính đề nghị mức thuế suất là 3% nếu sử dụng nước mặt (mức trần) và 5% nếu sử dụng nước dưới đất (lấy theo mức trung bình hiện hành) nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn nước. Phương án này sẽ tác động không đáng kể tới sản xuất, kinh doanh của người khai thác mà sẽ khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả hơn.

Các nhóm khác như sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; yến sào thiên nhiên; dầu thô và khí thiên nhiên, khí than được giữ mức thuế suất thuế tài nguyên như hiện hành.

Theo Hồng Vân

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên